Đây cũng là nội dung chính của Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ hải sản khai thác diễn ra sáng nay (5/4) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trong 5 năm qua, đã có 83 loài hải sản không còn được bắt gặp ở các vùng biển Việt Nam so với giai đoạn trước đó. Nhóm hải sản tầng đáy giảm tới gần 42% trữ lượng. Tổn thất sau thu hoạch hải sản ở mức 15 - 25%.
Theo Hội nghề cá Việt Nam, một phần nguyên nhân là do đội tàu nhỏ, dưới 20 CV có tới gần 46.000 chiếc, chiếm gần một nửa tổng số tàu cá trên cả nước. Những tàu cá này chủ yếu đánh bắt gần bờ, không có trang thiết bị và làm những nghề vi phạm như giã cào, xung điện…
Thêm vào đó, trình độ lao động đi biển rất thấp. Trong số gần 850.000 ngư dân, chỉ có 2% học đến cấp 3; 98% từ cấp 2 trở xuống; hơn 8% ngư dân mù chữ.
Trong khi đó có tới hơn 200 mặt hàng hải sản đang được khai thác, khiến việc quản lý chất lượng gặp khó khăn. Giải pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra là cần tập trung vào những mặt hàng chủ lực, giảm tàu cá công suất nhỏ để hạn chế khai thác quá mức, tăng cường chế biến tiêu thụ hải sản theo chuỗi và đẩy mạnh nuôi biển.
Thời gian tới, dựa vào số liệu điều tra nguồn lợi thủy sản 5 năm 1 lần, sẽ chia khu vực khai thác và cấp hạn ngạch khai thác. Tới ngày 30/6/2018, cả nước sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!