Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA

Trần Hiền - Đức Chung - Dương Dũng-Thứ hai, ngày 12/10/2020 16:03 GMT+7

VTV.vn - Sự chủ động phối hợp của các bên gồm chủ đầu tư, nhà tài trợ vốn và đơn vị thi công là điều kiện tiên quyết để tránh kéo dài thời gian giải ngân vốn ODA.

Ngày 11/10, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Hà Nội có nguồn vốn vay ODA Nhật Bản hơn 4.500 tỷ đồng đã chính thức được thông xe. Trong bối cảnh việc giải ngân đầu tư công bằng nguồn vốn vay nước ngoài đang rất chậm, 8 tháng năm nay mới chỉ đạt khoảng 21% thì đây là dự án hiếm hoi về đích đúng tiến độ thời gian gần đây.

Việc triển khai dự án đặt ra nhiều bài học kinh nghiệm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác giải ngân vốn ODA, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA - Ảnh 1.

Cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long là dự án có vai trò rất quan trọng với ngành giao thông vận tải, đặc biệt là với giao thông Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản là hơn 4.500 tỷ đồng, còn lại 800 tỷ đồng là vốn đối ứng trong nước. Sau gần 2 năm thi công, dự án đã về đích đúng kế hoạch ban đầu.

"Phải lập những tiến độ chi tiết đến từng tháng, từng tuần và thậm chí từng ngày để bám sát triển khai thi công. Dự án có sự phối hợp, hỗ trợ rất tốt từ phía Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng. Có thể nói chưa bao giờ có dự án nào trên thủ đô mà có mặt bằng sạch như dự án này", ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT nói.

Nhà thầu thi công dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long cũng đang tham gia một dự án ODA đình đám khác là tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM. Nhà thầu này cho rằng, sự chủ động phối hợp của các bên gồm chủ đầu tư, nhà tài trợ vốn và đơn vị thi công là điều kiện tiên quyết để tránh kéo dài thời gian giải ngân và thời hạn hiệp định vay vốn. Bởi trong nhiều trường hợp, các hiệp định quá hạn sẽ phải đàm phán lại, gây rủi ro về tiến độ và nguồn vốn cho các dự án.

Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA - Ảnh 2.

Tuyến đường được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m, đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h. Ảnh: TTXVN.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 nói: "Với các nguồn vốn ODA, thời gian hiệp định là một động lực các chủ thể kịp thời giải ngân để hạn chế tối đa vấn đề gia hạn hiệp định. Giải ngân nhanh cũng là một phần tăng hiệu quả đầu tư".

Theo đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - Jica, so với tỷ lệ giải ngân vốn ODA chỉ đạt 8,5% của năm tài khoá 2019, năm nay tiến độ đã có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các Bộ ngành của Việt Nam sẽ phải nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt trong vấn đề bố trí ngân sách đối ứng và cách tính toán về tỷ giá.

"Các công đoạn kiểm tra đang quá nhiều dẫn đến sự phức tạp của thủ tục. Dùng đồng Yen Nhật hay VND với chúng tôi thế nào cũng được, Việt Nam cứ quy đổi theo tỷ giá cho phù hợp", ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) nói.

Bộ Tài chính cũng đánh giá, nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, giải ngân vốn ODA năm nay khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, người đứng đầu các Bộ, ngành cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cam kết ở mức độ 100% dự toán, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước