Đầu tuần vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 do Chính phủ trình. Đáng chú ý, Luật Đất đai vẫn vắng bóng trong kế hoạch năm tới. Mặc dù, đây là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức quan tâm, trông đợi.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai 2013 ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội. Quá trình sửa đổi Luật cũng hết sức phức tạp và cần nhiều thời gian nghiên cứu. Cho nên, việc sửa đổi Luật Đất đai không thể nóng vội.
Trong khi đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn đang tiếp tục tiến hành tổng hợp, nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013. Trong rất nhiều vấn đề lớn được bàn thảo lần này, những quy định về giải phóng mặt bằng tại các dự án đang là vấn đề nóng bỏng, được quan tâm hàng đầu.
Làm khó dự án
Như tại dự án Đình Trám - Sen Hồ có quy mô hơn 100ha, chia thành 2 khu, được coi là dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội tại Bắc Giang. Tuy nhiên, vì vướng giải phóng mặt bằng, dự án đã kéo dài suốt 8 năm nay. Hiện vẫn còn một số hộ dân chưa nhận tiền giải phóng xong mặt bằng.
"Người dân đòi hỏi chế độ chính sách như giá đền bù phải cao hơn so với giá hiện tại. Ngoài ra, cơ chế đất dịch vụ người dân vẫn đòi hỏi dù theo Luật Đất đai 2013, cơ chế đất dịch vụ không còn", ông Vương Thanh Tùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn cho biết.
Còn theo ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Everland, Luật Đất đai hiện tại chưa nói rõ trong trường hợp không đạt được sự thoả thuận về giải phóng mặt bằng thì sẽ giải quyết thế nào. Điều này dẫn đến hàng loạt dự án hiện nay bế tác trong khâu giải phóng mặt bằng. Có những dự án "dậm chân tại chỗ" 5 - 7 năm trong khâu giải phóng mặt bằng.
Theo nhiều ý kiến, những quy định về giải phóng mặt bằng tại các dự án cần được sửa đổi trong Luật Đất đai sử đổi tới đây
Mặc dù đã có các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, nhưng theo các doanh nghiệp, một số quy định vẫn chưa theo kịp thực tế. Một doanh nghiệp đưa ra ví dụ cụ thể như đang lập một dự án dựa trên đất rừng sản xuất, người dân đã được giao sổ giao rừng, nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Vốn dĩ, từ trước đến nay, người dân đều quan tâm đến đất rừng sản xuất chứ không quan tâm đến sổ đỏ. Bởi họ chỉ cần sổ giao rừng để canh tác trên đất. Tuy nhiên, đến khi lập dự án, người dân phải có sổ đỏ.
Khâu giải phóng mặt bằng chậm chễ ảnh hưởng tới quyền lợi của tất cả các bên liên quan. Dự án kéo dài ngày nào thì doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí ngày đó, chưa kể chịu áp lực từ lãi vay ngân hàng, khiến giá BĐS tăng cao. Còn người dân sống trong vùng dự án cũng mệt mỏi chờ đợi, thậm chí là khiến kiện kéo dài, ảnh hưởng tới việc ổn định cuộc sống.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến thời điểm này, có 6 Bộ và 38 tỉnh, thành phố đã có báo cáo tổng kết về việc thi hành Luật Đất đai 2013. Bộ tài nguyên và Môi trường bước đầu nhận diện các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và đề xuất các định hướng chính sách dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có 6 định hướng lớn trong việc sửa đổi Luật Đất đai đang được nghiên cứu. Trong đó, có nội dung liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng.
"Chúng ta cần hoàn thiện quy định liên quan đến thu hồi đất để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư", ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!