Thiếu lao động chất lượng tại nhiều địa phương
Mỗi năm, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp mang về cho nước ta hơn 53 tỷ USD. Mặc dù được xem là trụ đỡ cho nền kinh tế, nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng vẫn bỏ ngỏ. Tình trạng thiếu lao động lành nghề đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để sầu riêng đảm bảo chất lượng xuất khẩu, khâu quan trọng nhất là xác định tuổi và độ chín khi thu hoạch. Các nhà máy phải chi mức lương cho kỹ thuật xử lý khâu này từ 50-70 triệu/tháng. Tuy nhiên, để tìm một kỹ thuật lành nghề không hề dễ vào thời điểm này.
Ông Nguyễn Tiến Điệp - Giám đốc HTX Sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam cho biết: "Không có một trường lớp nào mở để dạy. Các bạn từng trồng sầu riêng, làm sầu riêng, đi cắt sầu riêng, tìm hiểu trái sầu riêng… những bạn ấy yêu nghề, yêu công việc và các bạn say mê ngành nghề này thì mới làm được".
Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu ý kiến: "Phải có những người chuyên môn, người chuyên môn này ai đào tạo và đào tạo như thế nào. Điều này chúng ta còn đang thiếu. Ở Thái Lan hiện nay, họ đào tạo, cấp chứng chỉ cho người hành nghề về thu hoạch sầu riêng".
Đầu tư nhiều nhà máy chế biến dầu ăn chất lượng cao tại miền Tây, doanh nghiệp của chị Mai cũng gặp nhiều khó khăn để tìm cán bộ, kỹ sư công nghệ có thể làm việc ngay sau khi tuyển dụng.
Bà Đỗ Thị Ngọc Mai - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Hưng Phước nhận định: "Hầu như mình phải đào tạo lại từ đầu, rất mất thời gian trong khi doanh nghiệp thiếu lao động mới cần tuyển vào thì bây giờ trở thành trường dạy, ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất nhiều".
Hiện các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp dịch vụ, chế biến, chế tạo. Do đó, không cách nào khác các viện, trường phải thay đổi phương thức đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của các địa phương.
Đồng bằng sông Cửu Long đang có hơn 10 triệu lao động trong độ tuổi, chiếm khoảng 20% tỷ lệ lao động cả nước. Tuy nhiên, chủ yếu là lao động phổ thông và thời vụ. Do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên các doanh nghiệp khá e ngại đầu tư vào miền Tây. Đây thật sự là thách thức lớn đối với khu vực này.
Đồng bằng sông Cửu Long đang có hơn 10 triệu lao động trong độ tuổi, chiếm khoảng 20% tỷ lệ lao động cả nước
Thay đổi cách đào tạo nhân lực
Hiện dân số của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là gần 20 triệu người, trong đó, hơn 50% đang trong độ tuổi lao động. Cần nói rõ, các nhà tuyển dụng đang thiếu nguồn lao động chất lượng và chuyên nghiệp (tức là nhận vào là có thể làm việc ngay, có hiệu suất và hiệu quả cao). Hiện các trường cao đẳng, đại học không ngừng đổi mới cách đào tạo nhằm giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền Tây.
Giống như nhiều sinh viên tại đây, Anh Khôi khá tự tin có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Việc giảm lý thuyết, tăng thực hành giúp em cọ sát kiến thức và có nhiều kỹ năng hơn.
Em Đỗ Anh Khôi - Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Long An chia sẻ: "Theo các nhà máy hiện đại chế biến sâu, chúng em học ngành cơ điện phục vụ các nhà máy thúc đẩy nguồn nông sản ra thế giới".
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 17 trường Đại học, 26 trường Cao đẳng và 62 cơ sở đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp. Để đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra, việc liên kết với nhà tuyển dụng được các cơ sở đào tạo đặc biệt quan tâm.
Thạc sĩ Lê Quốc Hùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An cho biết: "Bám sát với doanh nghiệp, định kỳ mời doanh nghiệp đến điều chỉnh, xây dựng chương trình giáo trình đào tạo của trường chuẩn xác với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp".
TS. Phan Phương Loan - Trưởng khoa Nông nghiệp - TNMT, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Chúng tôi luôn luôn đặt nhu cầu của người sử dụng lên trên hết bằng cách liên kết đào tạo với những đơn vị sử dụng lao động mà trong đó, doanh nghiệp là nền tảng".
Bằng cách làm năng động đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc đúng chuyên ngành đạt từ 90-100%. Có nơi tỷ lệ phải đào tạo lại sau tuyển dụng là không có. Đây là nguồn lực quan trọng mà các doanh nghiệp mong muốn có được để mạnh dạn đầu tư, thúc đẩy phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để tìm một kỹ thuật lành nghề không hề dễ vào thời điểm này
Kiến nghị cơ chế đào tạo lao động
Bên cạnh thay đổi cách đào tạo như: giảm lý thuyết, tăng tính thực hành, đẩy mạnh liên kết với các nhà tuyển dụng để nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm nhiều cơ chế chính sách linh hoạt hơn. Đặc biệt, làm thế nào để các viện, trường tự chủ mạnh dạn hoạt động đổi mới.
PGS.TS. Lê Văn Vàng - Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ cho biết: "Chi phí đào tạo cao chưa chắc đã đào tạo ra con người chất lượng. Nhưng chi phí đào tạo thấp sẽ rất khó để ra con người chất lượng. Hiện nay, vấn đề lớn nhất là học phí, phần thứ hai là chuyển giao công nghệ vẫn còn. Rất mong cơ chế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thông thoáng hơn để các trường hoạt động tốt hơn".
Thạc sĩ Lê Quốc Hùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An nhận định: "Nhà trường mong muốn tiếp tục được sự quan tâm của Ủy ban trong việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ công tác đào tạo. Thứ hai, cũng mong muốn được phân cấp mạnh hơn trong công tác thực hiện xã hội hóa để làm sao huy động nguồn lực của doanh nghiệp vào sự phát triển của nhà trường cũng như phục vụ công tác đào tạo nghề của nhà trường".
Ông Nguyễn Đại Tánh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An cho biết: "Sáp nhập tất cả trường nghề lại thành một trường duy nhất hiện nay là trường Cao đẳng Long An. Mục tiêu của chúng tôi là vừa tinh gọn cơ chế bộ máy nhưng cũng phải tăng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Qua tinh gọn, sáp nhập, tập trung đầu mối để chúng tôi đầu tư".
TS. Phan Phương Loan - Trưởng Khoa Nông nghiệp - TNMT, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: "Mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến ngành nông nghiệp nhiều hơn bằng cách là có những đặt hàng cho đơn vị đào tạo về nông nghiệp. Thứ hai, ở góc độ chương trình, Bộ Giáo dục nên lồng ghép những phần về nông nghiệp trong các chương trình phổ thông và cho các em tập dần từ cấp I, cấp II và cấp III, chứ không phải vào Đại học mới biết nông nghiệp".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!