Giảm thiểu chi phí thức ăn để bảo toàn lợi nhuận trong ngành chăn nuôi

Thúy Lan-Thứ sáu, ngày 06/05/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trên 10 lần điều chỉnh tăng, giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp xác lập mặt bằng giá mới, cao hơn 30 đến 40% so với năm 2020. Ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ giảm đàn.

Vậy làm thế nào để giảm chi phí đầu vào, duy trì lợi nhuận cho người chăn nuôi?

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn chiếm tới 65 - 70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc dùng thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm.

Tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có làm thức ăn chăn nuôi

Thay vì dùng ngô nhập khẩu nhiều hộ chăn nuôi dùng ngô ngay trong nước tại địa phương, thay vì cám mì họ thay thế bằng cám gạo, ngoài ra họ dùng thêm cá rôphi, cá mè lên men thự nhiên thay vì dùng bột cá. Các nguyên liệu như ngô, cám gạo, cá ủ, bã bia luôn sẵn sàng trong kho để giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu.

Theo các hộ chăn nuôi, thời điểm đầu tháng 5 này, hàng loạt công ty lại tiếp tục điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, đây đã là lần tăng giá thứ 13 đến 14 của nhiều doanh nghiệp kể từ cuối năm 2020 đến nay. Áp lực lên các hộ chăn nuôi là không nhỏ, việc tận dụng các nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương là cách mà nhiều hộ chăn nuôi đang cố gắng duy trì sản xuất và lợi nhuận của mình.

Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn chiếm 40%, còn lại phần lớn là phải nhập khẩu.

Do đó, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới như ngô, lúa mì, khô đậu tương tăng mạnh trong thời gian qua thì ngay lập tức giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước buộc phải tăng lên. Trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng định hướng từng bước chủ động và phát triển ngành nguyên liệu trong nước bằng một loạt những giải pháp đồng bộ.

Giảm thiểu chi phí thức ăn để bảo toàn lợi nhuận trong ngành chăn nuôi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - TTXVN

Dần chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước

Mỗi năm Việt Nam cần gần 14,3 triệu tấn ngô để làm thức ăn chăn nuôi, nhưng hiện nay phải nhập tới 67% con số trên. Theo đại diện Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giảm sự lệ thuộc vào nguồn ngô nhập khẩu, chúng ta hoàn toàn có thể tăng thêm diện tích ngô trong nước trên những diện tích lúa kém hiệu quả tại vùng đồng bằng sông Hồng, hay dùng thóc dồi dào thay cho ngô làm thức ăn cho lợn và gà cũng khá hiệu quả.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu tấn cám gạo, 43 triệu tấn rơm và hàng triệu tấn phế phụ phẩm khác từ hoạt động sản xuất nông nghiệp mà chưa được tận dụng làm chế biến thức ăn chăn nuôi. Thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu các công thức phối trộn phù hợp, hình thành thị trường phế phụ phẩm, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng sẽ từng bước điều chỉnh lại cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm, cũng là giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, tuy nhiên, thời gian tới các cơ quan chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh đưa những giải pháp trên vào thực tế càng nhanh càng tốt vì giá thức ăn chăn nuôi hiện đang tạo áp lực không nhỏ tới bà con chăn nuôi, dẫn tới hiện tượng giảm đàn đang tái diễn tại nhiều địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước