Giãn đáo hạn trái phiếu - Giải pháp hài hòa cho đôi bên

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 10/06/2023 06:23 GMT+7

VTV.vn - Giãn đáo hạn trái phiếu đang là một trong những chất xúc tác cần thiết để doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ hồi phục.

Với sự ra đời của Nghị định 08/2023 của Chính phủ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu giờ đã có khung pháp lý để đàm phán với các trải chủ về khả năng giãn hoãn nợ hoặc thanh toán nợ bằng các tài sản khác ngoài tiền như cổ phiếu và bất động sản.

Trong 100 doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn trái phiếu, 28 doanh nghiệp đã xác nhận gia hạn được với trái chủ. Gia hạn thời hạn trả nợ trái phiếu đang cho thấy là phương án hài hòa hơn bởi theo giới phân tích việc thanh lý tài sản đảm bảo trong bối cảnh hiện nay đang được xem là giải pháp tạo ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích cho các bên.

Tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường là cổ phiếu hoặc bất động sản. Năm 2022 từng chứng kiến hiện tượng khi các trái chủ không đòi được nợ đã bán tài sản đảm bảo có tính thanh khoản cao là cổ phiếu để thu hồi tiền. Điều này khiến thị giá nhiều mã cổ phiếu rơi nhanh, kết quả là một số ít trái chủ thu được tiền trong khi phần đông thiệt hại do thị trường cổ phiếu giảm mạnh. Theo các chuyên gia, câu chuyện như vậy không nên để lặp lại ở thị trường bất động sản.

Giãn đáo hạn trái phiếu - Giải pháp hài hòa cho đôi bên - Ảnh 1.

Nguồn lực còn lại của nhiều doanh nghiệp bây giờ là những bất động sản đang được thế chấp tại ngân hàng làm tài sản đảm bảo. Nếu đem thanh lý hết trả nợ trái phiếu, cũng như lấy nốt chút sinh khí dành để phục hồi của một cơ thể vốn đang ốm yếu.

Theo giới phân tích, việc nhiều trái chủ đồng ý cho doanh nghiệp giãn hoãn thời hạn trả nợ trái phiếu kết hợp cùng các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu của Chính phủ thời gian qua đang là những chất xúc tác cần thiết để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng nguồn vốn từ dòng tiền trái phiếu, bớt sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng để đẩy nhanh tốc độ hồi phục.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 12% GDP. Đây rõ ràng là một con số quá nhỏ bé so với tỷ lệ 50% của Malaysia, 36% của Singapore hay 22% của Thái Lan. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam cần thêm thời gian và đặc biệt là niềm tin của trái chủ để phát triển đúng với tiềm năng và vai trò trong nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước