Giao dịch bất động sản qua sàn: Lo ngại tăng thêm tầng lớp trung gian, tăng chi phí

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 12/05/2023 15:29 GMT+7

VTV.vn - Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần thứ 5 đang được tổ chức xây dựng và lấy ý kiến, để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 này.

Tại buổi hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 12/5, các chuyên gia đánh giá, dự thảo luật lần này đã đề cập chi tiết, đầy đủ hơn những vấn đề của kinh doanh bất động sản so với Luật 2014 trước đây, song vẫn còn nhiều điểm cần xem xét thêm.

Quy trình giao dịch bất động sản, hợp đồng giao dịch, quy định chuyển nhượng bất động sản... là những nội dung được các doanh nghiệp quan tâm góp ý trong sự kiện ngày hôm nay. Trong đó, đề xuất bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn nhận được không ít ý kiến trái chiều.

Theo Dự thảo Luật (sửa đổi), hai loại giao dịch bất động sản phải thông qua sàn đó là: Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật.

Việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ làm tăng tính minh bạch, công khai thông tin trên thị trường.

Ông Trịnh Duy Hà - Phó Tổng giám đốc Tân Long Land đánh giá: "Khi khách hàng trước đây mua bán bất động sản phải trải qua nhiều bước như thông qua các sàn môi giới, sau đó hoàn thành các thủ tục liên quan đến công chứng, chứng từ… nên tôi nghĩ rằng đây cũng là sửa đổi rất hợp lý".

Giao dịch bất động sản qua sàn: Lo ngại tăng thêm tầng lớp trung gian, tăng chi phí - Ảnh 1.

Vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh đề xuất giao dịch bất động sản phải qua sàn. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, quy định này sẽ làm tăng thêm tầng lớp trung gian, tăng chi phí giao dịch và được tính vào giá bán cho người mua nhà.

"Thường các sàn lấy phí hoa hồng môi giới từ 3 - 3,5%, trong khi đó một số chủ đầu tư như chúng tôi làm từ trước đến nay thì chúng tôi tự bán. Việc này tích cực hơn bởi cán bộ của chính doanh nghiệp đó họ hiểu dự án hơn là những người đi môi giới, mà lại giảm được chi phí", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty GP Invest cho biết.

Thông thường, việc xác nhận giao dịch bất động sản sẽ thông qua văn phòng công chứng. Do vậy, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về năng lực pháp lý của các sàn bất động sản hiện nay.

"Liệu cách chúng ta đang đào tạo về kỹ năng, kiến thức chuyên môn cho nhân viên làm việc tại sàn đã đáp ứng yêu cầu của xã hội hay chưa, cả giám đốc sàn cũng như vậy. Giám đốc sàn mình đánh giá có bao nhiêu phần trăm được đào tạo, bài bản", PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội băn khoăn.

Do vậy, các chuyên gia kiến nghị, thay vì luật hóa hay bắt buộc thì chỉ nên khuyến khích giao dịch sản phẩm bất động sản qua sàn và có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người mua và người bán. Đồng thời, đặt thêm trách nhiệm, các tiêu chuẩn hành nghề chuyên nghiệp cho đơn vị môi giới.

Buộc giao dịch bất động sản qua sàn làm tăng chi phí, tiềm ẩn nguy cơ độc quyền Buộc giao dịch bất động sản qua sàn làm tăng chi phí, tiềm ẩn nguy cơ độc quyền

VTV.vn - Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề xuất đề nghị nghiên cứu quy định cho phép các bên tham gia giao dịch được quyền lựa chọn phương thức giao dịch qua sàn hoặc không qua sàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước