Giới chủ trung tâm thương mại tại Mỹ đầu tư giải cứu ngành bán lẻ

Việt Linh-Thứ ba, ngày 21/07/2020 21:55 GMT+7

Một cửa hàng của Brooks Brothers ở New York. Ảnh: CNN

VTV.vn - Cơn khủng hoảng từ dịch COVID-19 đã đánh gục nhiều tên tuổi lâu đời của ngành bán lẻ Mỹ như JCrew hay hãng thời trang lâu đời Brooks Brothers.

Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, một nhóm nhà đầu tư đang bất ngờ nổi lên, trong việc giải cứu các doanh nghiệp bán lẻ - đó là những chủ sở hữu các trung tâm thương mại.

Chỉ mới cách đây 2 tuần, Brooks Brothers, hãng bán lẻ thời trang có tuổi đời gần 2 thế kỷ, từng phục vụ hơn 40 đời Tổng thống Mỹ đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, sau khi dịch COVID-19 khiến ngành đồ âu phục truyền thống của công ty này rơi vào tình trạng "chết lâm sàng".

Giới chủ trung tâm thương mại tại Mỹ đầu tư giải cứu ngành bán lẻ - Ảnh 1.

Brooks Brothers, hãng thời trang hơn 200 tuổi ở Mỹ đệ đơn xin phá sản (Ảnh: Getty).

Nhưng cũng hầu như ngay lập tức, một nhóm mạnh thường quân đã xuất hiện để giải cứu công ty này này: Simon Property Group, đơn vị sở hữu nhiều trung tâm thương mại nhất tại Mỹ cùng với hãng quản lý thương hiệu ABG, đã cho Brooks Brothers vay 80 triệu USD để thoát khỏi tình trạng phá sản. Thương hiệu Brooks Brothers sẽ được dùng làm tài sản thế chấp cho thương vụ.

Trước đó, hai đơn vị trên cùng với Brookfield, một ông lớn khác của ngành kinh doanh trung tâm thương mại, cũng đã hợp tác bơm tiền giải cứu thương hiệu đình đám Forever21. Bộ 3 này cũng đang đàm phán nhằm rót vốn vào một tên tuổi lớn thất thế khác là JC Penney.

Ông Scott Stuart, Giám đốc điều hành Hiệp hội tái cấu trúc doanh nghiệp (TMA) cho biết: "Tôi nghĩ đây là món hời với các công ty như Simon. Họ đang ngồi trên một núi tiền và đang muốn tự mình đi tìm cơ hội sinh lời mới, giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm".

Giới chủ trung tâm thương mại tại Mỹ đầu tư giải cứu ngành bán lẻ - Ảnh 2.

JCPenney đã chính thức đệ đơn xin phá sản.

Theo giới chuyên gia, dịch COVID-19 đã tạo ra một tình thế khó khăn đặc biệt với giới bán lẻ truyền thống, biến họ trở thành một món đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là những thương hiệu vẫn có sức hút nhưng rơi vào phá sản do mở rộng quá mức. Bản thân các đơn vị như Simon cũng không phủ nhận khả năng tiếp tục mở rộng đầu tư.

Ông David Simon, Giám đốc điều hành Hãng bất động sản Simon Property Group nói: "Chúng tôi nghĩ rằng điều đó rất khả thi và sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng khi muốn tham gia một thương vụ nào. Chúng tôi sẽ chỉ bỏ tiền với những công ty có thương hiệu mạnh và giá trị đủ lớn".

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào bán lẻ có thể cũng là rủi ro cho các chủ trung tâm thương mại, khi họ rời xa mảng kinh doanh cốt lõi và sẽ cần thêm thời gian để đánh giá liệu đây có phải là 1 chiến lược hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước