Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ phá sản trong ngành hàng không

TTXVN-Thứ ba, ngày 21/07/2020 18:12 GMT+7

26.000 nhân viên Lufthansa (Đức) có nguy cơ mất việc.

VTV.vn - Hy vọng cho sự phục hồi nhanh chóng trong lĩnh vực hàng không toàn cầu đã trở nên mờ mịt hơn nữa với tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng trở nên tồi tệ hơn.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng sẽ có thêm nhiều hãng hàng không phải tuyên bố phá sản và không ít việc làm sẽ bị cắt giảm trong những tháng tới khi mà những sự hỗ trợ từ các chính phủ dần giảm bớt đi.

Ông Nicholas Wyatt, trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích du lịch tại hãng phân tích GlobalData, cho biết mặc dù các chính phủ đang tích cực chú ý vấn đề mở các "tuyến đi lại" nhưng là với cách tiếp cận ưu tiên vấn đề an toàn trước hết. Bên cạnh đó, nguy cơ diễn ra những làn sóng lây nhiễm COVID-19 tiếp theo sẽ khiến họ trở nên cẩn trọng hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/7 vừa qua đã công bố báo cáo ghi nhận các ca lây nhiễm COVID-19 cao kỷ lục ngày thứ 2 liên tiếp, với tổng cộng 259.848 ca trong vòng 24 giờ. Một số nơi trên thế giới trước đây đã làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh như Hong Kong (Trung Quốc), Australia) nay cũng đang ghi nhận các ca lây nhiễm tiếp tục tăng.

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ phá sản trong ngành hàng không - Ảnh 1.

Hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hong Kong (Trung Quốc).

Chuyên gia trong lĩnh vực hàng không Shukor Yusof của hãng phân tích Endau Analytics cho biết làn sóng lây nhiễm mới sẽ không chỉ làm giảm nhu cầu mở các "tuyến đi lại" mà còn cản trở việc mở cửa lại biên giới trong thời gian sớm. Theo đánh giá của ông Shukor, đã có một sự "hưng phấn" quá mức ở các hãng hàng không cũng như nhiều cơ quan khác của chính phủ các nước mong muốn khôi phục lại các chuyến bay khi nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Theo ông, ngành công nghiệp hàng không nên phải chấp nhận đây là cuộc chiến lâu dài, nhiều trở ngại và không được vội vã.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết nhu cầu chở khách đối với du lịch hàng không sẽ không thể đạt mức như trước khi có dịch COVID-19 cho đến năm 2023 hoặc 2024. Theo đánh giá của Hiệp hội này, thực tế các hãng hàng không mới đang chỉ ở trong giai đoạn đầu tiên của chặng đường phục hồi "dài và đầy khó khăn", đồng thời không thể bền vững nếu sự đi lại quốc tế bị đóng cửa hoặc hạn chế.

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ phá sản trong ngành hàng không - Ảnh 2.

Hãng hàng không lâu đời thứ 2 thế giới Avianca đệ đơn xin phá sản vì COVID-19.

Còn theo nhà phân tích hàng không độc lập Brendan Sobie, ngành hàng không đã và đang kỳ vọng về một sự phục hồi chậm và khó khăn. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề chính của sự phục hồi trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là sự thiếu hụt một cơ chế đa phương làm tiêu chuẩn hóa các quy định đi lại bằng đường hàng không. Nếu có cơ chế như vậy sẽ giúp đưa ra một nền tảng cho việc thiết lập các "tuyến đi lại" giữa các quốc gia vốn đã xử lý tốt dịch COVID-19.

Ông Sobie và ông Wyatt đều cho rằng trong bối cảnh ngành hàng không phục hồi chậm và lâu, chắc chắn sẽ có thêm nhiều hãng phải phá sản cũng như phải cắt giảm việc làm. Theo ông Sobie, các hãng hàng không đã được chính phủ các nước hỗ trợ trong việc giảm thiểu cắt giảm việc làm. Tuy nhiên, những sự hỗ trợ này không thể kéo dài và không hợp lý nếu trông chờ chính phủ tiếp tục hỗ trợ các khoản chi trả để duy trì việc làm cho nhân viên khi mà việc khôi phục đi lại phải cần vài năm nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước