Giới trẻ Hàn Quốc dốc hầu bao, đổ xô đầu tư tiền ảo

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 14/05/2021 13:32 GMT+7

Hàn Quốc là đất nước thịnh hành tiền số thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters)

VTV.vn - Giới trẻ Hàn Quốc đang đua nhau đầu tư vào tiền ảo, bất chấp nguy cơ vỡ bong bóng.

Hàn Quốc là đất nước thịnh hành tiền ảo thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Mỹ. Tiền ảo bắt đầu xuất hiện tại Hàn Quốc vào năm 2009, tiên phong là Bitcoin, tiếp đến là sự nối tiếp của hàng loạt các đồng tiền ảo khác, như: Ethereum, Ripple, và mới đây là Dogecoin…

Từ năm 2017, Hàn Quốc đã có khoảng 3 triệu người chơi tiền ảo, chiếm 6% tổng dân số (khoảng 50 triệu người). Phần lớn họ thuộc Millennials (1981 - 1996) - hay Gen Y, và công nhân viên chức, với tỷ lệ lên tới 80%.

Ước tính vào năm 2017, cứ 10 người làm công ăn lương ở Hàn Quốc thì có 3 người đầu tư vào tiền điện tử.

Theo báo cáo kết quả thống kê trong tháng 4/2021 về tỷ lệ người chơi tiền ảo trên độ tuổi mới cho thấy, 60% thuộc độ tuổi 20 - 30.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, 4 nền tảng giao dịch tiền điện tử hàng đầu nước này là: Upbit, Bithumb, Coinone và Korbit có thêm 2,5 triệu người đăng ký mới, trong đó hơn 63% thuộc độ tuổi 20 - 30. Trung bình, cứ trong 10 người đầu tư tiền ảo thì có tới 6 người thuộc Gen Y và Gen Z (1997 - 2012).

Giới trẻ Hàn Quốc dốc hầu bao, đổ xô đầu tư tiền ảo - Ảnh 1.

Đầu tư tiền ảo thu hút sự quan tâm lớn của giới trẻ Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)

Dù mang tính rủi ro cao, nhưng tiền ảo cũng mang lại cơ hội đổi đời trong chớp mắt cho nhiều người. "Nguyên nhân chính khiến thanh thiếu niên, đặc biệt là các sinh viên đổ xô vào tiền điện tử là do có khả năng kiếm được lợi nhuận khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn", một quan chức Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận.

Giới trẻ Hàn Quốc đã nhanh chóng tiếp nhận và tham gia đầu tư tiền ảo nhờ thông thạo và nhanh chóng thích nghi với các tiện ích kỹ thuật số mới. Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu tiên, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố "không có nghĩa vụ quản lý tiền ảo hay bảo vệ lợi ích của người chơi". Dù bị hack tài khoản, người chơi cũng phải "bấm bụng chịu".

Thực tế năm 2019, Hàn Quốc từng "dính" một vụ hack nghiêm trọng, thất thoát 48,5 triệu đô tiền ảo, nhưng không có ai hay tổ chức nào bị tố cáo và xử lý.

Có thể thấy, chơi tiền ảo là một hình thức đầu tư mạo hiểm. Người tham gia dùng tiền thật, đặt cược vào sự gia tăng lợi nhuận của loại đồng tiền điện tử mà mình chọn. Nếu nó tăng giá, họ kiếm được lời và ngược lại, họ có khả năng mất trắng. Tiền ảo không có giá trị nội tại như tiền thật hay vàng bạc. Giá trị của nó có thể thấp đến vô cùng là bằng 0.

Trước đó, hệ thống ngân hàng quốc gia Hàn Quốc cũng cảnh báo rằng tiền ảo không có giá trị thực tiễn, không đồng ý nhận đổi sang tiền mặt. Dù vậy vào năm 2018, Hàn Quốc bùng nổ cơn sốt tiền điện tử. Giới trẻ bất chấp mọi rủi ro, lao vào lĩnh vực đầu tư đầy mạo hiểm này.

Đến năm 2019, Hàn Quốc chứng kiến thời kỳ ảm đạm nhất của tiền ảo. Hàng loạt các loại tiền ảo đua nhau rớt giá và hàng triệu người chơi "khóc hết nước mắt" vì mất trắng số tiền đầu tư. Thế nhưng, sau năm 2020, cơn sốt tiền điện tử bất ngờ quay trở lại khiến chính phủ nước này lo ngại nguy cơ vỡ bong bóng.

Trước nguy cơ "vỡ bóng bóng tiền ảo", chính phủ Hàn Quốc đã phải vào cuộc và lên nhiều dự luật với lĩnh vực tiền điện tử, dự kiến sẽ áp dụng từ đầu năm 2022.

Triệt phá 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo ‘khủng’ Triệt phá 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo ‘khủng’

VTV.vn - Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép và nhiều website giống các sàn forex.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước