2021 là năm chứng kiến thị trường chứng khoán và định giá của một loạt tài sản từ biệt thự, xe hơi và thậm chí cả tiền điện tử tăng vọt. Điều này đã làm khối tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng hơn 1.000 tỷ USD ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu trong năm thứ 2.
10 tỷ phú thuộc "câu lạc bộ 100 tỷ USD" (Ảnh: Bloomberg).
Lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận 10 tỷ phú giàu nhất thế giới nắm giữ khối tài sản ròng lên tới 100 tỷ USD, trong đó tỷ phú Elon Musk của hãng xe điện Tesla đứng đầu danh sách với khối tài sản tương đương John D.Rockefeller (1839 - 1937) - người Mỹ giàu nhất mọi thời đại và tỷ phú giàu nhất thế giới hiện đại.
Ngoài ra, có hơn 200 tỷ phú sở hữu khối tài sản hơn 10 tỷ USD. Tổng giá trị tài sản ròng được công bố trên Bloomberg Billionaires Index hiện vượt quá 8.400 tỷ USD, nhiều hơn GDP của tất cả các quốc gia ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.
Khối lượng tài sản khổng lồ của tầng lớp siêu giàu, chỉ chiếm 0,001% dân số thế giới, cho thấy quá trình phục hồi thiếu ổn định của kinh tế sau cú sốc đại dịch COVID-19.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), giới siêu giàu được hưởng lợi từ những biến động thị trường và chính sách tài khóa lỏng lẻo. Đồng thời, thống kê cũng cho thấy đại dịch đã đẩy khoảng 150 triệu người vào cảnh đói nghèo, theo đó, con số này có thể tiếp tục tăng cao nếu lạm phát tiếp diễn.
Tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập Tesla trở thành người có khối tài sản lớn nhất hành tinh, đồng thời là người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2021 (Ảnh: AP).
Lucas Chancel, đồng Giám đốc Phòng thí nghiệm về tình trạng bất bình đẳng thế giới tại Trường Kinh tế Paris, cho biết: "Kể từ giữa những năm 1990, tỷ lệ tài sản được nắm giữ bởi giới siêu giàu ngày càng tăng, từ 7% lên gần 11%. Cuộc khủng hoảng COVID-19 không những không đảo ngược tình thế mà còn khiến xu hướng này trở nên gia tăng gấp nhiều lần so với các chuyên gia từng dự đoán".
Từ Washington, Moscow đến Bắc Kinh liên tiếp nổ ra các cuộc tranh luận sôi nổi về giới siêu giàu, các nhà chức trách đe dọa sẽ tăng mức thuế suất, kiểm soát các kẽ hở chính sách nhằm đối phó với áp lực từ dư luận và ngân sách cạn kiệt.
Hồi tháng 10, ông Ron Wyden - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ - đã công bố mức thuế đặc biệt nhắm vào các tỷ phú. Nhưng loại thuế này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ những doanh nhân như Elon Musk và bị xóa bỏ chỉ sau vài ngày.
Trước đó, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng thuế tính trên thặng dư vốn và thuế đối với tài sản thừa kế cũng đã gặp thất bại. Việc thượng nghị sĩ Joe Manchin phản đối kế hoạch Build Back Better (Tái xây dựng với mục đích tốt hơn) có thể loại trừ những mức thuế cao hơn đối với giới siêu giàu trong tương lai gần.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, tài sản của các tỷ phú lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Giới tài chính của đất nước tỷ dân đã có một năm tồi tệ nhất kể từ năm 2012. Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh bắt đầu đàn áp các ông lớn công nghệ và thúc đẩy chính sách "Thịnh vượng chung", tổng tài sản của các tỷ phú nước này đã "bốc hơi" 61 tỷ USD.
Trong đó không thể không nhắc đến sự sụp đổ của ông trùm bất động sản Hui Ka Yan - Chủ tịch tập đoàn China Evergrande. Từng là người giàu thứ hai Trung Quốc, giá trị tài sản ròng của ông Hui đã giảm 17 tỷ USD trong năm nay khi đế chế bất động sản Evergrande nợ nần chồng chất. Chính phủ đã phải kêu gọi ông sử dụng tài sản cá nhân của mình để trả nợ cho các nhà đầu tư.
Năm 2021, tài sản kỹ thuật số, cổ phiếu công nghệ và SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) cũng là những tài sản mang lại lợi nhuận lớn cho các tỷ phú Mỹ.
Cho dù sự tăng giảm giá trị chóng mặt của tiền điện tử khiến chuyên gia tài chính Mike Novogratz mất hàng tỷ USD nhưng số lượng bán ra kỷ lục của đợt chào bán công khai đầu tiên đã giúp gia tăng tài sản của những người sáng lập loại tiền này.
Hay cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, tỷ phú có số lượng tài sản sụt giảm nhiều sau khi vào Nhà Trắng, cũng có thể kiếm hàng tỷ USD nếu công ty truyền thông mới thành lập của ông hoàn tất quá trình sáp nhập với một công ty séc trắng để IPO.
Vào cuối năm, 42 người đã gia nhập "câu lạc bộ tỷ phú", chủ yếu nhờ các đợt IPO.
Nhìn chung, theo Bloomberg, năm 2021 là một năm có nhiều biến động. Khi giá cả tăng vọt, các nhà lập pháp có xu hướng tăng thuế, trong khi giới nhà giàu tận dụng cơ hội để bán ra. Lấy ví dụ như một công ty gia đình nhỏ ở Chicago đã đạt được một thỏa thuận lên tới 32 tỷ USD sau khi ký kết với một nhà cung cấp hàng hóa trong lĩnh vực y tế, đây có thể coi như giao dịch có giá trị thanh khoản lớn nhất trong lịch sự đối với một công ty gia đình.
Tuy nhiên có những tỷ phú lại ra đời theo cách khác. Cuộc ly hôn chấn động của tỷ phú Bill Gates với vợ - bà Melinda Gates đồng nghĩa với việc người đồng sáng lập Microsoft phải nhượng lại khối tài sản khổng lồ. Điều này cũng khiến bà Melinda trở thành tỷ phú, đứng thứ 194 trong bảng xếp hạng của Forbes. Tương tự, Mackenzie Scott - vợ cũ tỷ phú Jeff Bezos cũng trở thành tỷ phú sau khi ly hôn.
Bên cạnh sự xuất hiện của một số tỷ phú mới, một số tỷ phú khác cũng đã phải chứng kiến sự sụt giảm tài sản nghiêm trọng. Vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư Archegos Capital Management hồi cuối tháng 3 là một trong những thất bại gây chấn động nhất trong lịch sử ngành tài chính Phố Wall. Chưa một cá nhân nào mất nhiều tiền trong khoảng thời gian ngắn đến vậy. Hay tài sản của Bill Hwang - người Mỹ gốc Hàn Quốc, nhà sáng lập quỹ đầu tư Archegos Capital Management - từng đạt 20 tỷ USD. Nhưng khối tài sản đã bốc hơi dưới sức nặng của những vụ đặt cược thất bại.
Cuối cùng, trung tâm của tất cả - từ những biến động trên thị trường, tiền ảo tăng giá đột biến đến các cuộc thảo luận xoay quanh thuế hay mức tăng tài sản kỷ lục - là Elon Musk.
Giá cổ phiếu Tesla tăng vọt đã đưa Elon Musk thành tỷ phú giàu nhất hành tinh. Leo KoGuan - một nhà đầu tư không mấy tên tuổi - cũng đã trở thành tỷ phú với khối tài sản 10,8 tỷ USD nhờ đặt niềm tin tuyệt đối vào Tesla và Elon Musk.
CEO Tesla cũng có khả năng xoay chuyển thị trường bằng những dòng tweet. Giáo sư Scott Galloway tại NYU Stern School of Business từng nhận định Elon Musk là doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới. "Elon Musk có thể bóp méo hệ thống thị trường tự do của chúng ta", ông nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!