ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Dịch bệnh diễn biến phức tạp và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm tốc độ tăng trưởng tại 2 vùng kinh tế lớn: vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL.
Tại Hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra để gỡ nút thắt, tạo đà phục hồi cho các địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng bình quân của 2 vùng trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước: vùng Đông Nam Bộ đạt 4,58%, vùng ĐBSCL đạt 4,5%, trong khi cả nước đạt 5,64%.
Dù một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước như Bình Phước (6,16%), Tây Ninh (7,04%), Bình Dương (7,23%), Long An (6,06%), Bến Tre (6,47%), Bạc Liêu (7,17%), nhưng trước tình hình ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, dự kiến cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng của 2 vùng còn thấp hơn nữa, thậm chí một số tỉnh, thành phố có thể tăng trưởng âm.
Từ cuối tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã phải tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị, các địa phương trong vùng bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cần phấn đấu trở lại trạng thái bình thường mới với thời gian sớm nhất, hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế như: thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài; đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị và dịch vụ; đồng thời tập trung thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn, kể cả trong nước và xuất khẩu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đông Nam Bộ và ĐBSCL là 2 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Thu ngân sách Nhà nước của 2 vùng trong 8 tháng đạt hơn 495.000 tỷ đồng, chiếm hơn 46,5% số thu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của 2 vùng ước đạt 87,54 tỷ USD, chiếm khoảng 41,1% cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!