Gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 13/10/2022 06:22 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp xăng dầu lớn hiện bảo đảm cung ứng và có thể chia sẻ cho các thương nhân phân phối để đảm bảo nguồn cung.

Sáng 12/10, Bộ Công Thương đã họp với doanh nghiệp đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ngay trong chiều 12/10, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, công tác điều hành giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá… cũng là những nội dung được đặc biệt quan tâm.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công Thương khẳng định đã có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu xin ngừng kinh doanh, đóng cửa, nhưng hiện cơ bản đã mở cửa trở lại.

Theo kế hoạch, trong quý 4, hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất sản xuất được 1,4 triệu m3 xăng dầu, đảm bảo 80% tổng nhu cầu trong nước. Lượng còn lại sẽ được nhập khẩu.

"Qua đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã ban hành chi phí cho việc vận chuyển, premium trong nước, đặc biệt là từ 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn bắt đầu áp dụng vào kỳ điều hành hôm trước. Sắp tới, chúng tôi vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để rà soát thêm những chi phí hợp lệ, hợp lý của các doanh nghiệp để Bộ Tài chính có thể điều chỉnh một cách kịp thời và sớm nhất", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung xăng dầu - Ảnh 1.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu vì nó có mặt trong hầu hết các hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp xăng dầu lớn hiện bảo đảm cung ứng và có thể chia sẻ cho các thương nhân phân phối để đảm bảo nguồn cung.

Hiện cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, với hệ thống gần 17.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước.

Trong 38 doanh nghiệp đầu mối, 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên trong quý 3 vừa qua đã xảy ra tình trạng các thương nhân đầu mối giảm mạnh lượng xăng dầu nhập khẩu.

Đánh giá về vấn đề trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, từ tháng 1 đến tháng 6/2022, giá xăng dầu trên thế giới tăng quá cao và giá xăng dầu ở Việt Nam cũng tăng khoảng 54%. Các doanh nghiệp xăng dầu khi nhập khẩu từ nước ngoài về thường theo kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng 6 tháng. Nhiều doanh nghiệp khi tháng 6 ký hợp đồng nhập khẩu cho tháng 7, 8, họ phải chịu giá rất cao, vì lúc đó giá trên thế giới đều cao. Khi giá nhập khẩu cao như vậy, lượng tiền của họ sẽ không còn nữa. Sau đó từ tháng 7 trở đi, giá xăng dầu liên tục giảm, trong nước điều chỉnh giảm tới 9 lần.

"Do vậy, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu giá cao bán với giá thấp nên họ chịu lỗ, từ đó gây khó khăn về cả nguồn vốn cũng như yếu tố tâm lý cho các doanh nghiệp xăng dầu trong quá trình nhập khẩu hàng hóa", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm.

Nỗ lực cung ứng xăng dầu

Còn đối với các doanh nghiệp phân phối, đúng như vai trò trung gian mua cao từ đầu mối sẽ bán cao cho các cửa hàng bán lẻ. Khi cửa hàng bán lẻ bán xăng, dầu đến người dân, các cửa hàng đã có mức giá trần. Do vậy, nếu phải mua vào quá cao từ doanh nghiệp phân phối, cửa hàng khó có được lãi.

Ghi nhận tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đang trong đợt triều cường cao nên người dân cần nhiên liệu bơm tát bảo vệ sản xuất, bà con đến khá đông, nhưng đơn vị vẫn đảm bảo nguồn cung.

Mỗi ngày, cửa hàng xăng dầu của anh Phong (doanh nghiệp Tư nhân Lê Phát, TP Ngã Bảy, Hậu Giang) phải cung ứng cho thị trường 2.000 lít. Chiết khấu chỉ từ 50 - 100 đồng một lít dầu xăng dầu, nhưng anh vẫn cố mở cửa để phục vụ người dân. Để nguồn hàng không bị đứt gãy, anh phải liên tục hối thúc công ty đầu mối.

"Mối của mình có sẵn, không lợi nhuận mình cũng phải duy trì. Bán để mai mốt có lợi nhuận lại mình có mối không để mất mối hết", anh Lê Tấn Phong, Doanh nghiệp Tư nhân Lê Phát, TP. Ngã Bảy, Hậu Giang, chia sẻ.

Bộ Tài chính nâng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu

Một trong những điểm nghẽn các đơn vị kinh doanh xăng dầu phản ánh thời gian qua là do tỷ lệ chiết khấu thấp, do cách tính các đinh mức cũ từ năm 2014. Để giải quyết bài toán này, ngày 11/10, trong kỳ điều chỉnh xăng dầu, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Theo đó, chi phí định mức đối với một lít xăng A92 từ 975 đồng đã được tăng thêm 350 đồng lên thành hơn 1.320 đồng.

Bộ cũng đã đề xuất việc xem xét giảm một số loại thuế phí về xăng dầu nhằm góp phần ổn định giá xăng dầu.

"Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%. Về chi phí, chúng tôi lấy ý kiến các bộ ngành và đã tăng lên 350 đồng. Như vậy, 1 lít xăng dầu hiện nay chi phí là 1.320 đồng. Như vậy Bộ Tài chính luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, làm thế nào để đủ nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối để xây dựng bộ máy linh hoạt, hiệu quả, giảm được chi phí trung gian cung cấp nguồn xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất. Đây là vấn đề Bộ Tài chính đã trao đổi và phối hợp với Bộ Công Thương để tăng cường quản lý", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung xăng dầu - Ảnh 2.

Hiện cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, với hệ thống gần 17.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu vì nó có mặt trong hầu hết các hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng bởi một số cuộc xung đột, nên giá dầu diễn biến rất phức tạp, Việt Nam là một nước có độ mở nền kinh tế lớn nên cũng bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính kết hợp với Bộ Công Thương đã nỗ lực không ngừng để điều hành giá nhằm bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới. 8 nhóm giải pháp được đưa ra để giảm áp lực và san sẻ trách nhiệm để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể ổn định nguồn cung cũng như người dân có thể dễ dàng đổ xăng.

Trong quý 3 vừa qua đã xảy ra tình trạng các thương nhân đầu mối giảm mạnh lượng xăng dầu nhập khẩu, tác động của việc này là như thế nào?

Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các cửa hàng bán lẻ đóng cửa cục bộ thời gian qua? Vậy việc các doanh nghiệp đầu mối không nhập đủ lượng phân bổ, họ có vi phạm điều gì theo quy định không, giải pháp sẽ là gì?

20% lượng xăng dầu còn lại phải nhập khẩu, vậy có thể có những giải pháp nào để tiết giảm các chi phí giúp hoạt động nhập khẩu đảm bảo đầy đủ theo kế hoạch?

Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (12/10) với sự tham gia của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính. Mời quý vị theo dõi video trên!

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp đầu mối thua lỗ gây thiếu hụt xăng dầu Bộ Công Thương: Doanh nghiệp đầu mối thua lỗ gây thiếu hụt xăng dầu

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, việc thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp đầu mối đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước