Trong hội thảo chuyên đề vừa diễn ra mới đây giữa ASEAN và Trung Quốc, xây dựng khung tài chính là vấn đề cấp bách được đặt ra, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng khung tài chính cấp quốc gia để huy động và quản lý tài chính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đã triển khai nhiều mô hình phát triển bền vững với các cách thức gọi vốn khác nhau như dự án Wave hỗ trợ người dân thoát nghèo nhờ cây chuối tây đang được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn. Nhưng để nhân rộng các mô hình này, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên.
Sau hơn 1 năm, những trái chuối được trồng theo dự án Wave của nhà chị Quy (thôn Nà Đon, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) bắt đầu cho trái ngọt.
Tại xã Thanh Vận, vốn cho sản xuất từ các tổ tài chính tự quản. Mỗi thành viên góp tiền để dành và cho vay theo chu kỳ.
Theo các chuyên gia, đây là mô hình tốt cho phát triển bền vững nhưng mới ở quy mô nhỏ. Muốn mở rộng, vốn của các dự án này phải phối hợp từ nhiều nguồn: đầu tư ban đầu từ nhà nước; vốn tự góp của người tham gia; vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân; nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng và các quỹ đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nguồn vốn đầu tư trong nước của khu vực tư nhân tại Việt Nam có xu hướng đi ngang. Cơ cấu nguồn thu từ thuế gián tiếp và trực tiếp cũng chưa tương ứng với các quốc gia có cùng trình độ phát triển.
Có vốn người dân mới bắt đầu dám mơ đến mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Nhà nước - người nông dân - nhà khoa học và doanh nghiệp, cùng các tổ chức hỗ trợ như mỗi mảnh ghép để làm nên bức tranh của cuộc sống ấm no bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!