Gỡ vướng cho điện mặt trời mái nhà

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 25/09/2020 06:02 GMT+7

VTV.vn - Cả nước có gần 42.700 hệ thống điện mặt trời mái nhà được phát triển với công suất 917 MWp.

Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện.

Chỉ trong 7 tháng qua, điện mặt trời mái nhà đã có sự gia tăng chóng mặt .Tuy nhiên, sản xuất ra điện nhưng rất khó bán bởi quy định chưa rõ ràng.

Bộ Công Thương vừa mới ban hành Văn bản số 7088/BCT-ĐL hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà (điện mặt trời mái nhà) cũng như đầu tư trong lĩnh vực này.

Gỡ vướng cho điện mặt trời mái nhà - Ảnh 1.

Điểm nổi bật nhất của văn bản này là việc định nghĩa hệ thống điện mặt mặt trời mái nhà là gì? Mái nhà được hiểu là như thế nào? Một số trường hợp cũng được Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể như hệ thống mặt trời có công suất không quá 1 MW nhưng không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập; trường hợp hệ thống mặt trời của trang trại với công suất trên 1 MW hoặc trên 1,25 MWp; trường hợp hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV thì không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định tại Quyết định 13. Một số trường hợp công suất lớn hơn 1MW thì sẽ nghiên cứu đề xuất sau.

Lúng túng quản lý công trình điện mặt trời trên đất nông nghiệp

Quyết định số 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời quy định: Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện. Tuy nhiên, trước thực tế hình thành các công trình điện áp mái hoặc thay mái các dự án nông nghiệp có phải là công trình điện mặt trời mái nhà theo quy định hay không thì lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng trong quản lý các công trình điện mặt trời dạng này.

Gỡ vướng cho điện mặt trời mái nhà - Ảnh 2.

Để sản xuất 1 MW điện năng lượng mặt trời, cần diện tích khoảng 1ha. Nhiều doanh nghiệp đã thuê đất nông nghiệp hoặc đất bỏ hoang để làm khung thép, đặt lên đó các tấm pin năng lượng, rồi đăng ký thành dự án điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên theo, thực tế do chưa có quy định rõ ràng về loại công trình này nên nhiều khi các nhà đầu tư đã sự hiểu sai. Nhiều dự án như thế này trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là ví dụ điển hình.

Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông, cho biết: "Luật Xây dựng 2014 định nghĩa công trình điện mặt trời mái nhà là sản phẩm của con người, dùng vật liệu sức lao động để xây dựng từ mặt đất, dưới lòng đất, mặt nước và dưới mặt nước. Thứ 2 là quy định về mái của công trình xây dựng là như thế nào? Đến nay tôi cũng theo dõi thì thế nào là mái của công trình xây dựng thì cũng chưa rõ".

Nhưng ngay cả khi xác định rõ được các khái niệm trên, vẫn cần có hướng dẫn cụ thể hơn bởi thực tế có nhiều trang trại nông nghiệp khi triển khai các dự án điện mặt trời áp mái, ban đầu với hình thức là bên dưới trồng cây nông nghiệp, bên trên lắp pin mặt trời. Tuy nhiên, sau khi nối lưới thì việc khai thác điện để bán là việc chính.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đến nay đã có gần 1.000 hệ thống điện mặt trời áp mái đi vào vận hành và thỏa thuận đấu nối với tổng công suất khoảng 170 MW. Tuy nhiên, theo thông tin từ Điện lực Gia Lai, đã có hàng trăm trạm biến áp và đường dây truyền tải điện đã quá tải và không còn khả năng giải tỏa công suất điện áp mái. Vấn đề quy hoạch, công tác quản lý các dự án điện mặt trời áp mái đang là thách thức được đặt ra.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 24/9 với khách mời là ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước