Gỡ vướng cho điện năng lượng tái tạo

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 15/04/2024 06:25 GMT+7

VTV.vn - Theo Quy hoạch điện 8, tới năm 2030, tỷ trọng điện năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ hơn 30% cơ cấu nguồn điện.

Chính phủ vừa ban hành kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 trong đó đề cao vai trò của nguồn điện năng lượng tái tạo. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã có những phản ứng tích cực với quy hoạch này và kỳ vọng sẽ sớm có cơ chế mua bán, truyền tải, phân phối điện năng lượng tái tạo. Đặc biệt là việc làm sao có thể tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng sạch này, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh, nguồn điện năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như thời tiết.

Tỉnh Ninh Thuận - nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió khó hoà lưới vì nghẽn đường truyền. Trong khi đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, doanh nghiệp sản xuất giấy xuất khẩu cần sử dụng điện năng lượng tái tạo để xanh hóa sản phẩm làm ra, nhưng lại không có nguồn cung.

Ông Shimada Takahiro - Tổng Giám đốc KOA Việt Nam cho biết: "Chúng tôi có nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo, chúng tôi buộc phải chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời để đáp ứng tiêu chí hướng đến kinh tế xanh mà tập đoàn đã đề ra".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn e ngại về tính ổn định của nguồn điện năng lượng tái tạo, vì phụ thuộc vào thời tiết.

"Một cái đặc điểm của năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió… là không được ổn định. Cần có một phương pháp hay một cách nào đó để cung cấp năng lượng hỗ trợ, bù trừ một cách linh hoạt những lúc năng lượng tái tạo không có được hay ở mức thấp", ông Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Công ty Marvell Việt Nam cho hay.

Còn nhiều vướng mắc khác, khiến việc tiêu thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo cũng như đầu tư thêm các dự án mới đang bị chậm lại. Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Qui hoạch điện 8 ngay đầu tháng 4 này đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng Đại diện Văn phòng thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Nhiều Doanh nghiệp Nhật Bản đang chờ đợi các chính sách tháo gỡ từ chính phủ Việt Nam, với việc ban hành Quy hoạch điện 8 vừa rồi là dấu hiệu tốt để triển khai các kế hoạch tiếp theo về điện năng lượng tái tạo".

Ông Phạm Đăng An - Chuyên gia năng lượng tái tạo thông tin:

"Tôi đánh giá việc ban hành kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 trong thời điểm này, chắc chắn điều mong đợi là đẩy nhanh việc này hơn. Bởi khi chúng ta ban hành được cơ chế mua bán điện, chúng ta sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đạt 100% sử dụng năng lượng tái tạo".

Thu hút đầu tư nước ngoài phát triển năng lượng sạch

Gỡ vướng cho điện năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Điện năng lượng tái tạo không chỉ có nơi thừa, nơi thiếu, mà còn có nhược điểm là phụ thuộc vào biến động thời tiết, nên có lúc không ổn định. Do vậy phát triển điện năng lượng tái tạo cần thiết phải có nguồn điện phụ trợ, bổ sung khi công suất suy giảm. Nhưng dùng nguồn nào, điện đó có đáp ứng yêu cầu xanh hay không là việc cần tính đến. Chính vì vậy, trong Quy hoạch điện 8 đã lần đầu tiên đưa "nguồn điện linh hoạt" vào trong cơ cấu công suất nguồn.

Để làm rõ hơn về nguồn điện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với đại diện tập đoàn Wartsila, đơn vị đã xây dựng nhiều nhà máy điện linh hoạt trên thế giới.

Phóng viên Quốc Anh: Thưa ông, các nhà máy điện linh hoạt có thể khắc phục như thế nào những nhược điểm của các nhà máy điện kiểu cũ?

Ông Hakan Agnevall - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Wartsila: Nguồn linh hoạt giúp cân bằng và đảm bảo tính ổn định cho hệ thống điện. Động cơ đốt trong dạng pit-tông là công nghệ đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam để phát triển những công nghệ cần thiết cho một hệ thống điện có tính bền vững và chi phí hợp lý, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.

Phóng viên Quốc Anh: Công nghệ và chi phí để xây dựng các nhà máy điện linh hoạt hiện có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không thưa ông?

Ông Hakan Agnevall: Trên hành trình chuyển đổi sang hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tại tạo cao, Việt Nam cần nguồn điện linh hoạt. Và chúng tôi nhận thấy không chỉ ở Việt Nam mà tại các quốc gia khác trên thế giới, điểm cốt lõi là nếu kết hợp được nguồn linh hoạt với các nguồn năng lượng tái tạo và các nhà máy điện hiện hữu một cách hợp lý, chúng ta sẽ giảm được chi phí xuống mức thấp nhất. Như vậy, nguồn linh hoạt vừa giúp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, đồng thời giúp giảm chi phí tối đa cho hệ thống điện của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước