Hai vợ chồng chị Đặng Thị Nảy cùng làm tại khu công nghiệp với mức lương trung bình 9 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền làm thêm giờ, mỗi người được khoảng 12 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà, tiền gửi về quê nuôi hai con ăn học, tiền sinh hoạt hàng tháng thật tằn tiện, mỗi tháng, anh chị chỉ để dành được một khoản nhỏ. Cả năm, hai vợ chồng chỉ tích lũy được vài chục triệu. Anh chị không biết, khi nào mới có thể hết cảnh ở thuê.
Hoàn cảnh của chị Nảy cũng giống như hàng triệu lao động xa quê khác trong các khu công nghiệp. Thu nhập dù có được trên 12 triệu đồng/tháng, họ khó có thể tích lũy, nếu có cũng chỉ là số tiền ít ỏi. Song mức thu nhập này lại là rào cản để họ tiếp cận nhà ở xã hội nếu xét theo tiêu chí đóng thuế thu nhập cá nhân.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng. Giá thuê nhà khoảng 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm tới 25% đến 30% thu nhập khiến cuộc sống sinh hoạt của họ càng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Ninh nhận định: "Thu nhập trên 12 triệu nhưng không có khả năng và không đủ điều kiện để mua nhà ở thông thường nhưng lại không nằm trong tiêu chí mua nhà ở xã hội. Hướng tới lâu dài là cần phải tháo gỡ".
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết: "Trong quá trình soạn thảo Thông tư, Nghị định và Luật, các cơ quan có chức năng sẽ xem xét, gỡ bỏ điều kiện về thu nhập và chỉ đáp ứng nhu cầu, khó khăn về nhà ở, đảm bảo, mở rộng, tạo điều kiện cho các đối tượng mua nhà theo quy định".
Để người lao động đến làm việc và gắn bó lâu dài với các khu công nghiệp, cần thay đổi các quy định liên quan đến tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội. Đây là đối tượng có nhu cầu thật nên cần tạo mọi điều kiện để họ có được chốn an cư tại nơi làm việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!