Chiều nay (7/7), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo công bố quyết định của Thủ tướng quy định về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Thủ tướng đã ký Quyết định số 23 việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Nghị quyết 68.
Chưa có Nghị quyết nào táo bạo như vậy
“Nghị quyết 68 đơn giản hoá tối đa các thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian với phương châm thông thoáng nhất để người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận sớm chính sách song phải đảm bảo phải đúng luật”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói tại buổi họp báo.
Ông Dung cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, nội dung gì theo luật thì phải chấp hành, còn tất cả những quy phạm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể cho phép vận dụng thì vận dụng tối đa. Ông Dung nhấn mạnh từ ngày mai 8/7, người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 từ gói 26.000 tỷ đồng.
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc đột phá, tối giản các thủ tục, đặt lợi ích quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động lên cao nhất, chưa có một gói chính sách nào mang tính đột phá, táo bạo như gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
“Chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đã giảm từ hơn 1 tháng xuống tối đa còn 7 ngày; chính sách hỗ đóng bảo hiểm cũng giảm từ 25 ngày xuống còn 5 ngày…”, ông Dung dẫn chứng.
Để xảy ra trục lợi là có tội với dân
Nói thêm về việc triển khai Nghị quyết 68, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời điểm hiện tại thì người dân đang mong chờ ngóng từng ngày để làm sao đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt là những người lao động tự do.
“Ai, cơ quan nào địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân. Cơ quan nào, đơn vị nào, địa phương nào để xảy ra trục lợi chính sách là có tội với dân”, ông Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (bên phải) cho biết nếu để xảy ra việc trực lợi trong quá trình triển khai gói 26.000 tỷ đồng là có tội với dân
Ông Dung dẫn chứng hình ảnh những cháu bé đi cách ly, hàng dài lao động, nhất là những lao động tự do xếp hàng nhận bữa cơm miễn phí… cho thấy sự cấp thiết của việc triển khai Nghị quyết 68.
Theo ông Dung, trong Quyết định 23 mà Thủ tướng mới ký thì 12 nhóm chính sách trong Nghị quyết 68 sẽ được cụ thể hoá một cách chi tiết nhất, cách thức thực hiện thời gian tiến hành, quy trình giải quyết, cấp nào giải quyết, phân cấp, phân quyền rất rõ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
“Sau Quyết định 23 không cần một hướng dẫn nào để triển khai, có chăng nếu cần thiết thì giải đáp chứ không ra văn bản nữa”, ông Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Dung cho biết trong quá trình triển khai Nghị quyết 68 sẽ tăng cường việc giám sát tử Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể…
Những điểm mới của Nghị quyết 68
Phân tích những điểm mới của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh mục tiêu tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Do đó các điều kiện hỗ trợ được tối giản.
Cụ thể, giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
Nhiều điểm mới tại Nghị quyết 68 trong việc hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động
“Gói 26.000 tỷ đồng cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Thanh phân tích.
Đối với lao động tự do, ông Thanh cho biết, Chính phủ đã giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!