Gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng: Cần cơ chế cho vay “vượt rào”

VTV Digital-Thứ tư, ngày 29/09/2021 09:17 GMT+7

VTV.vn - Một gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế quy mô 100.000 tỷ đồng có thể được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới.

Theo bài viết trên Báo Đầu tư, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ 100.000 tỷ đồng là cơ chế cho vay.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng khẳng định, nếu không ban hành cơ chế cho vay đặc biệt, các ngân hàng không thể giải ngân. Bởi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp chỉ được vay vốn nếu không có nợ xấu, phải có doanh thu, lợi nhuận và tài sản đảm bảo, nhưng trong bối cảnh hiện nay, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được.

Trong khi các ngân hàng không thể tự ý hạ chuẩn cho vay mà cần phải có cơ chế của Chính phủ, Quốc hội cho phép ngân hàng giải ngân. Đơn cử như trường hợp của Vietnam Airlines, dù thua lỗ, nợ xấu và không có doanh thu, nhưng vẫn được các ngân hàng thương mại cho vay hơn 4.000 tỷ đồng nhờ Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng cho hãng hàng không này.

Gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng: Cần cơ chế cho vay “vượt rào” - Ảnh 1.

Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ 100.000 tỷ đồng là cơ chế cho vay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Cần xóa "điểm mờ" đấu giá đất

Hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá đất hiện nay vẫn chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn trong các nội dung về xác định giá khởi điểm khi đấu giá, xác định các trường hợp không qua đấu giá mà giao quyền sử dụng đất. Tờ Diễn đàn doanh nghiệp gọi đây là những "điểm mờ" cần xóa bỏ.

Điển hình như quy định về đấu giá tài sản và Luật Đất đai. Cụ thể, Nghị định 43/2014 đã quy định "Tổ chức phát triển quỹ đất" trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác.

Trong khi đó, Luật Đấu giá tài sản quy định, Bộ Tư pháp có trách nhiệm "Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản".

Hay một vấn đề khác đến từ quy định giao đất không thông qua đấu giá khi không có người, hoặc chỉ một người tham gia đấu giá theo khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai, bởi trên thực tế, đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thao túng đấu giá.

Quy hoạch nhà ở cho công nhân: Rời rạc, thiếu liên kết

Dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở dành cho người lao động tại các khu công nghiệp, tuy nhiên thực tế tại Hà Nội, kết quả triển khai vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu. Bài viết trên tờ Kinh tế và Đô thị cho rằng, việc quy hoạch nhà ở cho công nhân còn rời rạc và thiếu liên kết.

Theo đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện mới có 3 khu công nghiệp là Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long, Phú Nghĩa có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Còn lại, hàng chục nghìn công nhân vẫn đang phải thuê nhà trọ tại các khu dân cư với điều kiện sinh hoạt khó khăn.

Đơn cử như khu nhà ở dành cho công nhân thuộc Khu công nghiệp Thăng Long - dự án đầu tiên của cả nước dành cho công nhân, quy mô 28 đơn nguyên, đáp ứng khoảng 11.500 chỗ ở. Thế nhưng, số chỗ ở này vẫn chỉ như "muối bỏ bể", đa số công nhân tại đây vẫn phải đi thuê trọ tại các khu vực dân cư xã Kim Chung.

Tác giả cũng cho rằng, việc thiếu những dự án định cư chất lượng cho công nhân dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó cuộc "di dời" của hàng nghìn công nhân khỏi những nơi cư trú tạm bợ tại một số địa phương trong đợt dịch vừa qua là một minh chứng.

Gần 13 triệu lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp Gần 13 triệu lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

VTV.vn - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, khoảng gần 13 triệu người lao động và 38.000 người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước