Nếu xem nền kinh tế sau COVID-19 giống như một người vừa trải qua cơn "bạo bệnh" thì các gói hỗ trợ giống như liều thuốc bổ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe cũng như nên kinh tế lấy lại nhịp tăng trưởng sau những giai đoạn gần như đóng băng nhiều hoạt động
Ngay đầu năm 2022 này, một Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với gói ngân sách “chưa có tiền lệ” lên tới 350.000 tỉ đồng, được giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 là kim chỉ nam hành động cho chương trình này.
Việc này đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để vững bước đi lên.
Cơ cấu gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
Cho đến thời điểm này chương trình mới được triển khai trong khoảng hơn 1 tháng. Trong đó, một số chính sách đã ngay lập tức được đưa vào thực tế, các đối tượng thụ hưởng đã ngay lập tức nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho rất nhiều lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, an sinh xã hội, y tế và chuyển đổi số…Cho nên khối lượng công việc của chúng ta trong 2 năm tới là rất nhiều.
Làm thế nào có thể giải ngân được nhanh nhưng mỗi đồng vốn của ngân sách phải được sử dụng một cách hiệu quả?
Nói về việc triển khai gói 350.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết với nhóm đầu tư công, bên cạnh 3 nhóm giải pháp đặc thù được Quốc hội cho phép thực hiện thì vẫn phải thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư công. Do vậy nó mất nhiều thời gian hơn so với nhóm tín dụng cũng như nhóm chính sách thuế, phí.
Theo ông Phương, để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đã cho phép thực hiện một cơ chế mang tính linh hoạt kết hợp hài hoà giữa chương trình phục hồi với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó với khoản ngân sách được bổ sung từ chương trình phục hồi 113.000 tỷ đồng cho đầu tư công sẽ triển khai tăng thêm dự toán ngân sách trung ương năm 2022 - 2023 chi cho đầu tư công. Trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Còn với các dự án trong chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ được chi tiêu thế nào? Về vấn đề này theo ông Phương, có thể những dự án được hoàn thiện sớm thủ tục có thể giải ngân được ngay trong năm 2022 hoặc 2023. Còn với những dự án lớn thì phần giải ngân trong quá trình thực hiện sẽ rơi vào khoảng 2024, 2025. Lúc đó sẽ sử dụng khoản vốn đáng nhẽ ra được chi tiêu cho kế hoạch đầu tư công trung hạn với các dự án đã được tiêu trước năm 2022 - 2023 rồi thì phần vốn dư sẽ được để đắp sang giải ngân cho các dự án của chương trình phục hồi.
Liên quan đến triển khai các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, PGS. TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án đạt mục tiêu là phục hồi nền kinh tế. Ông Cường lấy ví dụ như một người mới ốm dậy, sau khi ốm dậy xong cần phải làm nhà.
“Để có sức làm nhà cần bổ sung một liều thuốc bổ. Cần uống thuốc bổ đã rồi mới làm nhà. Nhưng giờ lại không dùng tiền đấy để mua thuốc bổ mà thôi để lại làm nhà. Sau khi làm nhà xong rồi chắc giờ đã có đủ sức khoẻ để phục hồi. Lúc đây mua thuốc bổ không có ý nghĩa gì nữa. Những gì thuộc phục hồi kinh tế phải hoàn thành trong 2 năm”, ông Cường cho biết.
Để hiểu rõ hơn những giải pháp triển khai gói 350.000 tỷ đồng, quý vị khán giả có thể theo dõi chương trình “Tọa đàm: Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng”.
Tọa đàm: Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ đồng
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!