Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên tới gần 350 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất khai mạc sáng 4/1.
Do những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, ước tính nền kinh tế Việt Nam năm 2021, chỉ tăng trưởng ở mức 2,58%, thấp hơn năm ngoái, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng hơn 4,8%, còn tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng âm 3,8%. Những mức tăng trưởng này đã phản ánh những khó khăn do đại dịch gây ra đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Chính vì vậy, Quốc hội đã họp kỳ bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách nhằm hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội". Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.
Gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng cho phục hồi kinh tế
Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Những tác động của chính sách cũng đã được Chính phủ nêu trong Đề án và Tờ trình, trong đó có một số tác động đến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia, vay và trả nợ công cần chú ý như: Bội chi NSNN bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50%GDP; nợ Chính phủ 45-46%GDP; chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%; áp lực lạm phát.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng hơn 2,9%, trong bối cảnh hầu như cả thế giới tăng trưởng âm, còn năm nay mức tăng trưởng chỉ bằng non nửa so với mức trung bình của thế giới.
Vì thế, gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định, nếu được thông qua sẽ lại như 1 chiếc phao cứu sinh đối với nền kinh tế. Những chính sách có thể sẽ có rủi ro, có thể tăng bội chi, nợ công trong ngắn hạn, nhưng tầm nhìn xa hơn, sau 2 năm, khi nền kinh tế đã dần phục hồi thì sẽ có các biện pháp thiết lập lại kỷ luật tài khóa. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân lúc này cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu. Vấn đề lúc này là triển khai sao cho trúng đích, hiệu quả, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và cần giám sát chặt chẽ để chống tiêu cực.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 4/1 với khách mời là ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!