Để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43, trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, với quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, gói này mới có gần 550 khách hàng được hỗ trợ, với dư nợ được hỗ trợ khoảng 4.300 tỷ đồng. Kết quả còn khá hạn chế, do nhiều nguyên nhân từ cả phía người đi vay và ngân hàng.
Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, sáng 26/8, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Sau 3 tháng triển khai, mới có gần 550 khách hàng được hỗ trợ lãi suất theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Ngay tại cuộc họp, nhiều ngân hàng thương mại đã nêu ra hàng loạt vướng mắc, trong đó có một nghịch lý là chính những người vay vốn, đang cần được hỗ trợ, nhưng lại không có nhiều người gửi đề nghị tới ngân hàng, chủ yếu là do e ngại các quy định thanh kiểm tra sau này.
Lo ngại thanh kiểm tra, nhiều người vay không muốn nhận hỗ trợ lãi suất
"Một số khách hàng đã từng trải qua đợt hỗ trợ lãi suất năm 2009 thì hồ sơ, thủ tục hoàn thiện để phục vu thanh, kiểm tra sau này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một số e ngại trường hợp đã hạch toán lợi nhuận, chi cổ tức, trường hợp thanh tra kiểm toán yêu cầu phải thu hồi thì doanh nghiệp khó cân đối nguồn thu nhập để tra nguồn tiền đã hỗ trợ", ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết.
Phía các ngân hàng cũng lúng túng bởi nhiều tiêu chí như khách hàng phải có khả năng phục hồi, nhưng thế nào là có khả năng phục hồi lại không được quy định rõ.
"Các tiêu chí mà ngân hàng thương mại đặt ra không thống nhất, có thể không được các đoàn thanh, kiểm tra đồng thuận, đặc biệt là việc đánh giá mức độ đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất được thực hiện tại thời điểm cho vay, giải ngân nhưng do những yếu tố khách quan, chủ quan của khách hàng mà phát sinh nợ xấu. Đến thời điểm cơ quan thanh, kiểm tra lại đánh giá khách hàng và khoản vay không đáp ứng điều kiện, chương trình và bị yêu cầu thu hồi hỗ trợ lãi suất", ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho hay.
Các ngân hàng cũng kiến nghị mở rộng nhóm đối tượng, như chấp nhận cho các hộ kinh doanh không có giấy đăng ký, hoặc cho doanh nghiệp xuất khẩu vay bằng đồng USD, đều được hỗ trợ giảm lãi suất.
Có thể thấy, nếu những khách hàng vay e ngại, không gửi đề xuất giảm lãi suất thì dù ngân hàng có muốn cũng không thể giải ngân nhanh được.
Tuy nhiên không phải người vay không muốn được giảm lãi suất đâu, ai vay vốn cũng mong muốn có mức lãi vay càng thấp càng tốt, nhưng họ ngại thủ tục phức tạp. Còn phía các ngân hàng cũng phải thận trọng, bởi đây là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phải đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích. Ngay tại hội nghị, đại diện nhiều bộ, ngành liên quan cũng giải đáp những băn khoăn được đưa ra.
Đề xuất hướng tháo gỡ cho gói hỗ trợ lãi suất 2%
Về tiêu chí "có khả năng phục hồi", đại diện Bộ Tư pháp cho biết đã từng được bàn thảo trước khi đưa ra Nghị định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền tự quy định theo khẩu vị rủi ro của mình.
"Các ngân hàng thương mại sẽ hiểu nhất gói cho vay của mình, mục đích cho vay, đánh giá khả năng phục hồi. Trong phạm vi hiểu biết của Bộ Tư pháp, Bộ cũng đồng ý với giải pháp mà chúng ta đưa ra trong Nghị định 31, đó là theo nội bộ của từng ngân hàng thương mại", bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp, nhấn mạnh.
Riêng quy định hậu kiểm là một chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà Nước cũng cho biết sẽ báo cáo Quốc hội các vướng mắc phát sinh.
"Với tiếng nói khách quan, Kiểm toán Nhà Nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến các đồng chí và qua kết quả kiểm toán cũng thực hiện một số chương trình khác. Kiểm toán Nhà Nước cũng sẽ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc để cùng đề xuất các cấp có thẩm quyền", bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà Nước, nói.
Hình ảnh tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản)
"Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc các đối tượng hỗ trợ lãi suất cũng tham gia, doanh nghiệp nào tiếp cận được, không tiếp cận được phải có lý do rõ ràng và các tổ chức tín dụng cũng phải giải thích rõ ràng. Nếu có khó khăn, vướng mắc sẽ tổng hợp để cùng tháo gỡ", bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận định.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan này là ưu tiên chất lượng tín dụng, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng hơn là giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% này vội vã chạy theo tiến độ.
Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, việc triển khai cần đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành liên quan phải thành lập ngay đoàn công tác để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!