Phiên xét xử giữa Grab và Vinasun chiều 23/10.
Chiều 23/10, phiên xử Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng khép lại phần tranh luận.
Phát biểu quan điểm, VKS đánh giá tòa án hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này bởi đây là vụ tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và Đề án 24 không phải là đối tượng kiện của vụ án.
Đại diện cơ quan công tố lần lượt đề nghị bác yêu cầu triệu tập Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp cùng tham gia Đề án 24, đại diện Công ty thẩm định Cửu Long vì cho rằng không cần thiết. Theo VKS, việc giám định lại thiệt hại của nguyên đơn cũng không cần thiết.
Về nội dung, VKS cho rằng Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ mà thực chất là một công ty kinh doanh vận tải taxi. Bị đơn trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu và quy định xử phạt đối với tài xế. Ngoài ra, Grab còn đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi trong đó có "chuyến xe 0 đồng".
Ngoài ra, VKS cho rằng việc Vinasun yêu cầu bồi thường thiệt hại do lợi nhuận giảm xuất là hoàn toàn có cơ sở bởi Grab đã không trung thực khi kê khai ngành nghề và có hành vi khuyến mãi không đúng quy định, hơn 70% khách hàng của Vinasun chuyển sang dùng Grab vì giá cước rẻ, từ đó khiến lợi nhuận của Vinasun liên tục giảm qua các năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của doanh nghiệp này gần 320 tỷ đồng, đến năm 2016 là hơn 295 tỷ đồng, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 53 tỷ đồng, hết Quý II/2018 đã có hơn 8.000 nhân viên nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi...
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Dự kiến, ngày 29/10 tới, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về vụ án này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!