Làn sóng ngầm tạo ra từ cuộc chiến khốc liệt giữa taxi truyền thống và các hãng, tạm gọi là taxi công nghệ như Grab và Uber đã diễn ra cả năm nay. Nhưng trong tuần qua, báo chí lại tiếp tục xôn xao, nảy sinh từ chính quan hệ giữa cái tên Grab và Uber.
Báo chí đã dùng những dòng tít như Uber Đông Nam Á bán mình cho Grab, hay Grab thâu tóm Uber để nói về sự kiện Grab thâu tóm toàn bộ mảng hoạt động của Uber tại khu vực Đông Nam Á và đổi lại Uber sẽ bỏ túi 27,5% cổ phần của Grab với trị giá dự kiến là 1,6 tỷ USD. Chuyện sáp nhập giữa các thương hiệu không phải là điều mới mẻ, nhưng điều mà báo chí quan tâm, đó là ai sẽ được lợi từ quá trình này?
Báo Nông thôn Ngày nay dẫn lời của đại diện Grab Việt Nam cho rằng khách hàng sẽ được lợi về nhiều mặt trong sử dụng dịch vụ còn các đối tác tài xế sẽ có thể có thu nhập cao.
Báo Sài Gòn Giải phóng lại cho rằng không chỉ doanh nghiệp vận tải lo lắng mà chính các doanh nghiệp vận chuyển thức ăn nhanh tại Việt Nam sẽ đau đầu.
Tuổi trẻ đưa ra một thực tế trước mắt, đó là sau khi thâu tóm, nhiều tài xế Uber phải bán xe do không thể chuyển sang Grab; còn nhiều đối tác của Grab thì bán tài khoản của mình – với chiết khấu thấp hơn - cho những người mới tham gia – vốn sẽ phải chịu chiết khấu cao.
Ai được lợi, câu trả lời có lẽ sẽ cần thời gian nhưng một khía cạnh được nhiều tờ báo đào sâu, đó là với sự sáp nhập này vấn đề cạnh tranh sẽ được xử lý ra sao khi Grab từ nay trở thành đại diện duy nhất cho loại hình vận tải này tại Việt Nam.
Báo Đại đoàn kết cảnh báo, khi Grab trở thành độc quyền, Grab được hưởng lợi, xã hội được lợi. Nhưng sự hưởng lợi hay gọi đúng nghĩa là lợi ích tài chính lại không thuộc về đối tượng lao động.
Nỗi lo không chỉ xuất hiện ở những tài xế hay khách hàng. Nhiều tờ báo cũng nhân dịp này phân tích nhiều khía cạnh của việc sáp nhập, đặc biệt là từ khía cạnh pháp lý. Liệu ở đây có sự vi phạm về cạnh tranh?
Báo Người Lao động bày tỏ những băn khoăn về mặt pháp lý của việc sáp nhập. Có ý kiến cho rằng, khó có thể xác định về thị phần. Ý kiến khác lại nhận định, có sự vi phạm Luật Cạnh tranh.
Ngược lại, tờ Thời báo kinh tế Việt Nam lại đăng tải nhiều lập luận từ phía luật sư cho rằng còn rất nhiều điều phải xác định rõ trước khi khẳng định vụ sáp nhập là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Và để làm dịu những cơn đau đầu về việc làm thế nào để quản lý loại hình dịch vụ này, xóa tan sự mệt mỏi với những cáo buộc của taxi truyền thống và taxi công nghệ thì Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang đánh giá, tổng kết, tham mưu cho Chính phủ sửa nghị định về quản lý kinh doanh vận tải để đảm bảo lợi ích của nhiều bên, thuận lợi cho quản lý và đảm bảo không có chuyện "một mình một chợ".
Tuy nhiên, nhiều tờ báo cho rằng Bộ cần phải chuyển động mạnh mẽ hơn trong xu hướng phát triển của kỷ nguyên số. Và một thông tin cũng rất đáng quan tâm, đó là Cục Thuế TP.HCM quyết định truy thu, xử phạt Uber hơn 66 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, Uber mới nộp hơn 13 tỷ đồng, còn lại trên 50 tỷ đồng thuế vẫn chưa nộp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!