Hạ lãi suất: Vốn có khơi thông?

Chí Sơn - Hoài Linh-Thứ tư, ngày 26/12/2012 09:11 GMT+7

Hôm nay (25/12) là ngày thứ hai các ngân hàng thương mại thực hiện quyết định của NHNN hạ trần lãi suất huy động thêm 1%. Đây là lần thứ 5 liên tiếp trong năm nay, lãi suất được điều chỉnh giảm.

Hiện mức lãi suất đã gần ngang bằng so với năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng dù lãi suất có giảm thì tổng mức tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm nay ước đoán chỉ ở mức 6%. Điều này cho thấy hạ lãi suất chưa đủ để khơi thông sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ngay trong ngày đầu tiên thực thi chính sách lãi suất huy động mới, nhiều ngân hàng đã áp dụng lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 1 tới dưới 12 tháng đồng loạt ở mức 8%/năm. Đường thẳng lãi suất lại được hình thành, hiếm hoi mới có ngân hàng niêm yết lãi suất thấp hơn mức này, nhưng mức chênh lệch cũng chỉ gọi là cho có. Với các kỳ hạn dài hơn như 13 tháng, 18 tháng trở lên, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm từ 0,5-1%/năm.

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank cho rằng, giảm lãi suất là tất yếu, không gây bất ngờ trên thị trường.

Đối với người gửi tiền, trong khi những kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán đều chưa mấy khả quan, nên người có tiền lúc này vẫn tiếp tục chọn kênh tiết kiệm là ưu tiên số một, cho dù mức độ sinh lời tiếp tục sụt giảm. “Lợi nhuận chênh lệch sẽ giảm, nhưng tôi gửi ít cũng không ảnh hưởng mấy…”, một người gửi tiền cho biết.

Chỉ còn một tuần nữa là sẽ khép lại năm tài chính 2012. Lạm phát cho cả năm dừng ở mức 7% và dự báo sẽ ở mức tương tự hoặc thấp hơn cho năm sau. Đây là cơ sở cho việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho biết: “Nếu như các năm trước, chính sách tiền tệ được điều chỉnh dựa theo mức độ tăng trưởng của GDP, thì từ năm nay hướng chủ đạo là theo lạm phát. Trong năm 2013, đường hướng này vẫn sẽ được duy trì và nếu năm 2013, lạm phát được kiềm chế thì cũng sẽ có cơ sở để giảm lãi suất tiếp theo, nhưng sẽ không nhiều”.

Lãi suất huy động giảm, tất yếu lãi suất cho vay sẽ giảm. Tuy nhiên, tuỳ thuộc cơ cấu vốn huy động của ngân hàng mà giá vốn doanh nghiệp tiếp cận sẽ được điều chỉnh tương ứng, nhưng phải có một độ trễ nhất định. Hiện lãi suất cho vay ra của các ngân hàng dao động trong khoảng từ 7-16%/năm tuỳ chất lượng của khách vay. Cùng với việc một lần nữa điều chỉnh trần lãi suất huy động, Ngân hàng nhà nước cũng giảm mức lãi suất cho vay tối đa với 5 nhóm đối tượng xuống 12%/năm.

Theo các chuyên gia, việc giới hạn đối tượng, thay vì một trần lãi suất thống nhất, sẽ khiến doanh nghiệp khó mà tiếp cận một giá vốn hợp lý hơn, bởi lẽ không thể đòi hỏi ngân hàng tự nguyện chia sẻ lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Đại học Mở TP.HCM nhận định: “Lãi suất cho vay sẽ hạ, nhưng tôi nghĩ cũng không nhiều, vẫn sẽ ở mức 15-16%”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, hạ lãi suất là đồng nghĩa với việc tiết giảm chi phi cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn. Nhưng tổng mức tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 6%, điều này cũng cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp ở mức kỉ lục. Bởi vậy, lãi suất không phải là phương thuốc thần kỳ và duy nhất, thậm chí nếu hạ lãi suất nữa, tác dụng phụ có thể sẽ xảy ra.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: khuyến cáo: “Chúng ta đã có bài học rất sâu sắc khi hạ lãi suất nhanh và mạnh từ năm 2008 và 2009 rồi, sau đó lạm phát bùng lên và chúng ta lại phải nỗ lực để kìm chế lạm phát. Đây cũng là điều cần được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận ra, không phải hạ lãi suất đã là tốt”.

Cũng theo các chuyên gia, khúc mắc lớn nhất hiện nay là việc xử lý hàng tồn kho và kích thích vào sức cầu tiêu thụ của nền kinh tế. Nếu những vấn đề này được khơi thông và cùng kết hợp với việc hạ lãi suất thì mới phát huy được hiệu quả tổng thể.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước