Làng gốm Bát Tràng sắp được quy hoạch lại. Ảnh: Dân trí
Làng Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội lâu nay vốn nổi tiếng với các sản phẩm gốm được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, hiện làng gốm Bát Tràng có khoảng 1.358 hộ làm nghề truyền thống này.
Theo kế hoạch, nhằm thu hút hơn nữa vốn đầu tư cũng như công nghệ tiên tiến kết hợp với các sản phẩm gốm tinh xảo của làng nghề Bát Trang, năm 2017 và 2018, Hà Nội sẽ quy hoạch lại làng gốm Bát Tràng.
"Ngay từ năm nay, Hà Nội sẽ triển khai quy hoạch lại làng nghề Bát Tràng trong đó có khu vực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước phối hợp sản xuất gốm Bát Tràng, phát triển công nghệ liên quan đến thiết kế để đưa ra sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch tới thăm Thủ đô", ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
Vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ đã nhận được lời đề nghị từ phía một doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu ứng dụng công nghệ kính vào sản phẩm gốm, gỗ. Ông Nguyễn Đức Chung gợi ý: "Ngoài làng gốm Bát Tràng còn có cả làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm bằng gỗ có thể kết hợp với sản phẩm gương kính của công ty Nhật Bản. Về phía các công ty Nhật Bản, có thể nghiên cứu công nghệ để kết hợp, đưa ra sản phẩm lưu niệm độc đáo".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thứ hai từ phải sang) khẳng định, Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
"Hiện công nghệ sản xuất đồ lưu niệm của Việt Nam còn khá hạn chế, vì thế, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới thị trường này của Việt Nam. Hà Nội cũng đang ưu tiên các nhà đầu tư tại các khu công nghệ cao, khu làng nghề. Tôi đã trao đổi với ngài Ijima Isao – Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ dành 3 khu công nghiệp lớn cho các nhà đầu tư. Cụ thể, khu công nghiệp 340 ha sinh học cạnh sân bay Nội Bài và ngay gần đó là một KCN 150 ha; trên đường Võ Nguyên Giáp có KCN rộng 70 ha công nghệ cao; ngoài ra, ở Đông Anh có KCN 195 ha. Tôi được biết, cũng đã có 1 nhà đầu tư Nhật Bản đặt vấn đề đầu tư. Đến cuối năm 2017, đầu 2018, Hà Nội sẽ có đủ hạ tầng giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu tư", ông Chung nhấn mạnh.
Về vấn đề thủ tục cấp phép đầu tư và thời gian cấp phép, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư đang được tạo điều kiện hết sức thuận lợi. Hồ sơ đầu tư từ khi các DN hoàn thiện đến khi được chấp nhận chủ trương đầu tư, theo quy định sẽ từ 35-45 ngày, nay UBND TP Hà Nội chỉ gói gọn giải quyết trong 20 ngày.
"Vừa qua, Hiệp hội Hỗ trợ bệnh nhân ung thư quốc tế Nhật Bản đã phối hợp đầu tư xây dựng Bệnh viện ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội. Dự án này chỉ mất 26 ngày để giới thiệu địa điểm, đồng ý chủ trương đầu tư. Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, phía Nhật Bản cung cấp hồ sơ hoàn thiện bản thiết kế và đến khi cấp phép xây dựng, phụ thuộc vào thời gian cung cấp hồ sơ, đến khi nộp đủ hồ sơ, chỉ cần 3 - 5 ngày cấp phép. Kể từ ngày 4/6/2014 diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư đến ngày 2/3/2017 đã diễn ra lễ động thổ xây dựng Bệnh viện ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản là khoảng thời gian tương đối nhanh và thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản", ông Nguyễn Đức Chung nêu ví dụ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí có thể gặp gỡ các nhà đầu tư, DN có nguyện vọng đầu tư vào Thủ đô để hỗ trợ mọi thủ tục; cam kết ủng hộ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất, đề nghị, các sở, ban, ngành của thành phố có trách nhiệm chủ động giúp đỡ, hướng dẫn nhà đầu tư.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!