Các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam..
Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội với 800 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD, trong đó, có nhiều dự án lớn.
Các nhà đầu tư Nhật Bản hiện rất thành công tại Việt Nam. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, đây chính là cộng đồng kinh doanh hiệu quả nhất tại Việt Nam. Dẫn chứng một khảo sát quy mô toàn cầu về ý kiến các nhà đầu tư Nhật Bản vào các nước, ông Lộc cho hay, niềm tin của các nhà kinh doanh Nhật Bản vào môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam là tốt nhất trong số các nước trong khu vực.
"Có tới 66,6% số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2017. Trong khi đó, chỉ 40% các nhà đầu tư Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc. Con số này ở Malaysia là 44%, ở Thái Lan là 50%, Philippines là 51% và Indonesia là 54%. Điều này cho thấy, Việt Nam chính là quốc gia có sức hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư Nhật Bản trên toàn thế giới", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhận thức thế mạnh của Nhật Bản - quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội kêu gọi, mong muốn thu hút đầu tư từ phía Nhật Bản vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao; đường sắt đô thị; công nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực; lĩnh vực du lịch, dịch vụ y tế chất lượng cao…
Hà Nội có nhiều lợi thế, trong đó nhiều nhà đầu tư đặc biệt chú trọng đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toàn báo cáo, suốt nhiều năm qua, tổ chức du lịch uy tin TripAdvisor xếp Hà Nội là 1 trong 10 thành phố có sức hút về du lịch nhất thế giới. Cụ thể, năm 2016, Hà Nội xếp thứ 8 trong danh sách này.
Tiềm năng du lịch của Thủ đô là rất lớn nhưng làm thế nào để khai thác tiềm năng đó là trăn trở của những vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Hiện ông Nguyễn Đức Chung đang chỉ đạo quyết liệt, với nhiều giải pháp, để biến Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm du lịch hàng đầu. Bắt đầu từ ngày 10/3/2017, Hà Nội đã ra quân chấn chỉnh trật tự đô thị, sắp xếp lại trật tự vỉa hè. Đây là thông điệp rõ ràng bằng hành động để cải thiện đầu tư kinh doanh, tạo nét văn minh cũng như diện mạo mới khang trang hơn cho Thủ đô.
Nói về tiềm năng du lịch của Thủ đô, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã đưa ra những ví dụ cụ thể: "Hà Nội là sự kết hợp giá trị truyền thống của nền văn minh phương Đông với văn minh phương Tây, kết hợp cổ truyền và hiện đại; là điểm kết nối các tỉnh vệ tinh phía Bắc, kết nối miền Trung và miền Nam, mỗi khi du khách đến Việt Nam.
Ẩm thực của Thủ đô Hà Nội là 1 trong 10 nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Hai đời Tổng thống Mỹ đến Việt Nam đều quảng bá cho ẩm thực Hà Nội. Ông Bill Clinton sang Việt Nam đã quảng bá cho phở Hà Nội còn ông Barack Obama cũng đã quảng bá cho bún chả Hà Nội. Hai món ăn này là độc nhất vô nhị trên thế giới và đang thu hút bạn bè quốc tế mỗi khi đến du lịch tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung".
Hà Nội được cho là có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, cùng với nhiều lĩnh vực thế mạnh khác thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam kêu gọi, gợi mở các nhà đầu tư Nhật Bản tại Tọa đàm trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản với sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các doanh nghiệp của Hà Nội, doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản. Chủ tịch VCCI cho biết thêm: "Đầu tư vào du lịch của Hà Nội và Việt Nam sẽ là lĩnh vực tiềm năng nhất, ngoài ra còn có các lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao…".
Ngoài ra, về phía các DN Việt Nam, ông Lộc cũng mong muốn có thể tổ chức một loạt hoạt động đào tạo để DN Việt Nam học tập cách quản trị của Nhật Bản: "Cách quản trị của người Nhật kết hợp được công nghệ hàng đầu của phương Tây với quan niệm, giá trị văn hóa của phương Đông. Mô hình quản trị của người Nhật phù hợp với Việt Nam nhất. Khóa đào tạo này được ưu tiên tại Đại học Việt - Nhật".
Đã có 5 biên bản ghi nhớ được kí kết giữa hai phía Việt Nam và Nhật Bản.
Khẳng định toạ đàm là hoạt động thiết thực để hai bên tìm kiếm cơ hội giao thương, là dịp để tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam, thành phố Hà Nội và Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện này trong bối cảnh Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản vừa có chuyến thăm Việt Nam thành công tốt đẹp.
Trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch VCCI Nguyễn Tiến Lộc, ông Iijima Isao - Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản (Cố vấn đặc biệt)…, đã có 5 Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các bên. Đó là hợp tác giữa Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội và Công ty TNHH Aeon ký kết Biên bản ghi nhớ MOU về dự án đầu tư Trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố có trị giá 200 triệu USD.
Ngoài ra còn có biên bản ghi nhớ giữa Sở Du lịch Hà Nội và Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản về phát triển du lịch; Biên bản ghi nhớ giữa Sở Y tế Hà Nội với Tập đoàn TOHO Nhật Bản về xây dựng nhà máy sản xuất thuốc tại Hà Nội; Biên bản ghi nhớ giữa Sở Y tế Hà Nội với Tập đoàn TOHO Nhật Bản về nghiên cứu, tư vấn hệ thống phân phối thuốc đạt chuẩn quốc tế cho Hà Nội; Biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tại Hà Nội và Công ty Green Wind Nhật Bản về việc lập dự án điều phối sản xuất và cung cấp con giống hoa lập thể và kỹ thuật trồng hoa tự động cho Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!