Theo kế hoạch mới được Thành ủy Hà Nội ban hành, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận. Câu chuyện được tờ Diễn đàn Doanh nghiệp đặt ra là: Quy hoạch mới liệu có đi kèm cơn sốt đất mới?
Trên thực tế, từ cuối năm 2019, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án xây dựng 5 huyện lên quận khiến thị trường bất động sản tại các khu vực này liên tục biến động. Điển hình tại Gia Lâm, trong quý I vừa qua, lần đầu tiên huyện này ghi nhận giá bán căn hộ gần 44 triệu đồng/m2 - mức kỷ lục đối với một huyện ngoại thành Hà Nội; hay tại Đông Anh, giá đất cũng đã tăng gấp đôi so với năm 2019.
Nhà đầu tư xem đất tại Hòa Lạc. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Đơn vị tư vấn Savills cho rằng, để mức tăng giá bền vững, các khu vực này cần hội tụ đầy đủ các yếu tố như quy mô dân số, cơ sở hạ tầng hoàn thiện… Quá trình này cần vài năm. Do vậy, nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản.
Giá thuê đất khu công nghiệp tăng: Có gây khó cho nhà đầu tư?
Nhu cầu lên cao khiến giá thuê đất tại nhiều "thủ phủ công nghiệp" tiếp tục "đội thêm". Ví dụ, tại Đồng Nai, giá cho thuê bình quân là 98 USD/m2, tăng hơn 6% so với năm 2019, hay ở Hải Dương, mức tăng này là 15%. Thế nhưng, giá đất cho thuê tăng cao không đủ sức cản bước chân doanh nghiệp ngoại.
Một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với tờ Đầu tư: "Khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, họ so sánh chi phí ở tầm quốc gia, chứ không phải là khu này cao hay khu kia thấp". Giá thuê bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn thấp hơn từ 30 - 40% so với các quốc gia trong khu vực.
Có khó sẽ là khó với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp Việt muốn xây nhà máy cần ít nhất 10.000 m2, chỉ riêng chi phí cho mặt bằng đã ngốn từ 20 - 30 tỷ đồng, không nhiều doanh nghiệp đủ vốn.
Lựa chọn thuê đất ở các khu vực chưa phải là "điểm nóng" đầu tư, các khu công nghiệp ở xa, với tiện ích ở mức đáp ứng được các nhu cầu cơ bản nhất là giải pháp được các chuyên gia đề xuất.
Vì sao khó ngăn chặn các sàn "tài chính ma"?
Các sàn giao dịch ngoại hối, vàng, tiền ảo (sàn "tài chính ma") đang rộ lên như nấm sau mưa. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Coolcat, GardenBO, Wefinex… các sàn giao dịch ngoại hối, vàng, tiền ảo (sàn "tài chính ma") đang rộ lên như nấm sau mưa. Về mặt kỹ thuật, việc xây dựng một sàn giao dịch forex, tiền ảo… là điều không khó, trang Thời báo kinh tế Sài Gòn Online phản ánh.
Thậm chí "khuôn mẫu" còn có sẵn, ai muốn sử dụng chỉ cần bỏ tiền ra mua trọn gói về và chỉnh sửa đôi chút là có thể tạo ra một sàn giao dịch y hệt các sàn chứng khoán.
Không chỉ hình thức thành lập dễ, hiện nay các quy định pháp luật liên quan đến các sàn forex, tiền ảo… gần như không có hoặc chỉ sơ sài. Có nhiều vụ thấy rõ là vi phạm quy định pháp luật, nhưng không có chế tài nên cơ quan chức năng chưa xử lý được.
Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần sớm đưa ra những quy định pháp luật đối với phương thức kinh doanh này cũng như có chế tài xử lý, xử phạt nặng. Nếu không các sàn tài chính ảo sẽ còn mọc lên không kiểm soát, sập sàn này lại mở tiếp sàn khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!