Công khai quy hoạch để ngăn chặn sốt đất
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, dù mới 10h sáng ngày làm việc trong tuần nhưng tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có khoảng 10 người đến làm các thủ tục, giấy tờ có liên quan.
Theo đại diện đơn vị quản lý lĩnh vực này của tỉnh, các hoạt động giao dịch liên quan đến việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thời điểm này đã giảm nhiều so với các tháng đầu năm.
Hiện Vĩnh Phúc có 72 dự án đầu tư xây dựng lớn trên địa bàn. Để không xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, với mỗi một dự án trước khi triển khai, việc công khai quy hoạch đến tận cấp xã, phường hiện luôn là yêu cầu được đặt ra.
Nhiều địa phương, Bộ ngành đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp và cách làm hiệu quả nhằm ngăn chặn "sốt" đất. Ảnh minh họa: VOV
Không chỉ tại Vĩnh Phúc, mới đây tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường việc kiềm chế, ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất "tạo sóng".
Quảng Ninh cũng yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, quản lý chặt chẽ quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, Quảng Ninh tập trung quán triệt công tác tuyên truyền tới người dân về tình trạng pháp lý của các dự án đang triển khai, thông báo rõ cho nhân dân biết các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Khi các địa phương thực hiện quyết liệt, bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Các địa phương trong thời gian tới phải quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất. Nhất là việc quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch và môi giới, kinh doanh bất động sản".
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các tỉnh, thành phố có kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Kiểm soát và giám sát chặt tín dụng bất động sản
Cùng với giải pháp công khai và quy hoạch, dòng tiền cho lĩnh vực bất động sản cũng sẽ được kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn. Mặc dù mức cung tín dụng cho vay các lĩnh vực này chưa có tăng đột biến nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn có thể sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để dòng vốn tín dụng không chảy vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Một trong những biện pháp đã được ngân hàng đưa ra để hạn chế tín dụng chảy vào bất động sản đó là nếu huy động được 10 đồng, ngân hàng chỉ được cho vay tối đa 4 đồng cho kì hạn trung và dài hạn.
Các khoản vay trên 4 tỷ đồng, ngân hàng phải trích lập dự phòng 150% số tiền này, tức ngân hàng phải dự phòng trên 6 tỷ đồng đối với khoản vay này.
Cùng với giải pháp công khai và quy hoạch, dòng tiền cho lĩnh vực bất động sản cũng sẽ được kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Năm 2018 và 2019, tín dụng bất động sản tăng 26 - 28%, nhưng trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19 nên con số này gần 12%. Quý I/2021, tín dụng bất động sản tăng trên 3%. Những con số này cho thấy, dòng vốn vào bất động sản ngày càng giảm. Tuy nhiên, giám sát tín dụng bất động sản vẫn là biện pháp rất cần thiết trong thời điểm này.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu từng tổ chức tín dụng phải điều hành sao cho tăng trưởng tín dụng an toàn, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Tín dụng của toàn ngành về bất động sản chiếm khoảng 19% trên tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang kiểm soát kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào bất động sản”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẽ sớm có báo cáo chi tiết, cụ thể số dư tín dụng cho vay từng dự án thuộc lĩnh vực bất động sản để gửi Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần là theo dõi và giám sát chặt chẽ. Thậm chí, không loại trừ khả năng siết vay tín dụng đối với những lĩnh vực này, nhằm hạ nhiệt cơn sốt đất hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!