Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội.
Dịch COVID-19 khiến một số diện tích cây trồng đã đến thời điểm thu hoạch không tiêu thụ được do bị cách ly toàn xã hội. Các hợp đồng tiêu thụ với các nhà hàng, bếp ăn tập thể bị ngưng trệ, người đảm nhiệm lưu thông, tiêu thụ rau bị mắc bệnh khiến chuỗi phân phối bị đứt gãy… Tuy chưa gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế trên diện rộng nhưng gây thiệt hại tại một số vùng sản xuất như vùng rau Tiền Lệ - Hoài Đức, Thường Tín, Chương Mỹ… Những ảnh hưởng kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là từ đầu tháng 7/2021 gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý người sản xuất.
Dịch COVID-19 bùng phát khiến một số diện tích cây trồng đã đến thời điểm thu hoạch không tiêu thụ được do bị cách ly toàn xã hộ
Nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rất cao, do ảnh hưởng của thời tiết và ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh lân cận Hà Nội. Tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng giảm do thời gian giãn cách xã hội phải dừng hoặc hoãn lịch triển khai tiêm phòng.
Để duy trì hoạt động chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi phải có phương án phòng chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của UBND các huyện. Tuy nhiên, một số cơ sở lớn khó đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ" để phòng chống dịch COVID-19. Trong thời gian giãn cách phòng dịch, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể đóng cửa, công trường, nhà máy ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng… khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật giảm mạnh.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND TP Hà Nội, sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nên các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực, một số chỉ tiêu sản xuất đạt kết quả cao.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có những phương án nhằm phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, Sở NN-PTNN Hà Nội đã triển khai các văn bản chỉ đạo của TƯ và TP về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp năm 2021 trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP trong tình hình dịch COVID-19 nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn TP, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp được giao năm 2021..
Theo kế hoạch, Hà Nội đã phân vùng trong sản xuất nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch. Cụ thể, thực hiện phân chia thành 3 vùng tương ứng với Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND TP Hà Nội.
Phân vùng 1 gồm các đơn vị hành chính: Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Phân vùng 2 gồm 5 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới 5 quận/huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, mê Linh.
Phân vùng 3 gồm 10 đơn vị hành chính: Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Thạch thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương phân vùng 1 và "vùng đỏ", "vùng vàng" của phân vùng 2, 3 được đặt lên hàng đầu. Nên việc tổ chức sản xuất cần ưu tiên tuân thủ hướng dẫn phòng dịch tại địa phương.
Sở NN-PTNT đề nghị Sở Công thương và Sở Y tế có sự phối hợp và hỗ trợ nhằm đảm bảo công tác sản xuất song hành hiệu quả cùng phòng chống dịch
Để sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định, đáp ứng mục tiêu vừa chủ động vừa đảm bảo phòng dịch, vừa cung cấp thực phẩm tại chỗ và không làm gián đoạn chuỗi cung thực phẩm chung của TP, Sở NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương chủ động triển khai giải pháp để người sản xuất không thuộc diện cách ly y tế tại nhà được ra đồng ruộng chăm sóc, thu hoạch nông sản nhưng vẫn đảm bảo đúng theo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh. Người lao động phải đeo khẩu trang khử khuẩn, đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tụ tập quá 2 người, khai báo y tế thường xuyên và các biện pháp khác theo quy định của địa phương.
Để đảm bảo công tác sản xuất và phòng dịch song hành hiệu quả, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Sở Công thương và Sở Y tế cùng các địa phương trên địa bàn cùng nhau phối hợp chặt chẽ. Đề nghị Sở Công thương chủ trì tổ chức quảng bá, kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, đặc biệt là các nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ do dịch COVID-19.
Đối với Sở Y tế, thực hiện hướng dẫn, đề xuất giải pháp, phương án để đảm bảo phòng chống dịch tại cơ sở, đẩy nhanh tiêm vaccine cho đối tượng người lao động của các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, cung ứng, vận chuyển vật tư nông nghiệp…
Ngoài ra, để chủ động hơn nữa trong cung cấp nông sản tại chỗ cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân yên tâm tổ chức sản xuất ngô, đậu tương, khoai tây do đây là loại nông sản phục vụ làm thực phẩm cho người nhưng cũng là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; mặt khác các sản phẩm này tương đối dễ sơ chế, bảo quản nên phù hợp trong điều kiện TP cần đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội phòng chống dịch COVID-19.
Kế hoạch phục hồi và thúc đẩy nông nghiệp được thực hiện theo hướng an toàn, hiệu quả, giúp thúc đẩy sản xuất và ổn định đời sống nhân dân trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến. Đây cũng là nỗ lực của Sở NN-PTNT để dịch bệnh không xâm nhiễm vào chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, góp phần thực hiện mục tiêu "kép" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!