Đặc biệt, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt hơn 6,5 tỷ USD, chiếm 60% tổng mức đầu tư so với 10 năm trở lại đây. Đây là những con số ấn tượng về việc thu hút đầu tư của thủ đô Hà Nội. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp được cho là điểm sáng tạo nên những đổi thay này.
Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, nhằm bổ sung nguồn cung nước sạch cho khu vực phía Bắc và Nam của thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Sau gần 2 năm được cấp giấy phép đầu tư và triển khai thi công, đến nay những hạng mức cuối cùng đang được gấp rút hoàn thiện.
Ông Đỗ Văn Định - Giám đốc Ban quản lý Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống nói: "Một trong những kỷ lục của dự án là dù diện tích lớn 61,5 ha, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng chúng tôi đã nhận được mặt bằng sạch để triển khai phát triển dự án và các cấp chính quyền đã hỗ trợ tích cực trong việc hoàn tất các thủ tục để phát triển dự án".
"Đối với 29 thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến đăng ký biến động, chuyển nhượng và các giao dịch khác, chúng tôi đã giảm từ 30% - 50% thời gian so với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường", ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội cho hay.
Thủ tục hành chính thuận lợi cũng chính là yếu tố then chốt đem lại sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi lựa chọn thủ đô Hà Nội là điểm đến đầu tư. Đại học Anh Quốc Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 50 triệu USD là một ví dụ điển hình.
GS.TS. Ray Gordon - Hiệu trưởng Đại học Anh quốc Việt Nam nói: "Chúng tôi luôn luôn đánh giá cao các chính sách khuyến khích đầu tư của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sự linh hoạt, đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư. Chính những chính sách, cơ chế hỗ trợ đó đã giúp chúng tôi xây dựng thành công ngôi trường đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam".
Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Thành phố luôn luôn nêu cao tinh thần cầu thị, thường xuyên toạ đàm gặp gỡ các doanh nghiệp, để lắng nghe mọi phản hồi và có sự chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp cũng thấy rằng thành phố luôn đứng bên cạnh doanh nghiệp, chia sẻ những khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các dự án một cách tốt nhất".
Theo báo cáo, chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây, 80 dự án được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đã có gần 50.000 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng số vốn hơn 472.000 tỷ đồng.
"Theo quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố chúng tôi phải có trách nhiệm xem xét trong vòng 7 ngày. Đây cũng là một sự cải cách hết sức đột phá để tạo ra sức bật trong thu hút đầu tư", ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội nói.
Giai đoạn 2015- 2020 Hà Nội sẽ cần có khoảng 2,6 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư sẽ chính là giải pháp căn cơ để Hà Nội đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!