Tại Trung Đông, nhiều hãng hàng không được các quốc gia chú trọng đầu tư phát triển, từ Emirates Airlines, Etihad Airways cho tới Qatar Airways hay Turkish Airlines. Tuy nhiên, rất nhiều sân bay tại đây đang rơi vào tình trạng quá tải, từ Oman, Kuwait, Abu Dhabi cho tới Saudi Arabia. Thậm chí tại Kuwait, lượng hành khách đang vượt gấp 3 lần giới hạn năng lực của sân bay.
Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mới đây Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế đã phát đi cảnh báo về một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong khả năng tiếp nhận của các sân bay. Dự báo ngành hàng không sẽ có thể đón nhận tới 7,8 tỷ lượt khách trong chưa đầy 20 năm tới, gấp đôi số lượng hành khách hiện nay. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế khuyến cáo các chính phủ cần có ngay biện pháp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng của các sân bay hiện nay.
Trong khi các hãng hàng không có thể dễ dàng mua thêm máy bay, việc nâng cấp hay xây dựng sân bay mới lại tốn kém hơn nhiều. Cùng với đó, nhiều quốc gia được cho là khá bị động và thụ động trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực vận tải hàng không.
Thời báo Vùng Vịnh của Qatar cảnh báo, để giải quyết vấn đề eo hẹp tài chính, nhiều quốc gia đang có xu hướng tư nhân hóa việc phát triển hạ tầng sân bay. Nhưng điều này đặt ra rất nhiều nguy cơ, bởi các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận cho riêng mình. Trong khi đó, cầu lại đang vượt cung nên các hãng hàng không sẽ bị các doanh nghiệp đua nhau ép giá dịch vụ sân bay. Và khi hàng không chịu sức ép tài chính, nó sẽ làm mất đi động lực phát triển rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Một bài học khác về sự bị động trong việc phát triển hạ tầng sân bay mới đây còn được nhiều báo chỉ ra. Gần đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho triển khai xây dựng một đại sân bay với công suất lên tới 200 triệu lượt hành khách mỗi năm nhằm bắt kịp tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không. Thế nhưng sự triển khai quá gấp gáp khiến Ankara phải đối mặt những cuộc biểu tình bùng phát. Người lao động giận dữ khi phải đối mặt với những điều kiện an toàn lao động bị phớt lờ, hàng chục công nhân đã bỏ mạng tại các công trường, trong khi đó lương lại chậm trễ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!