Hai "siêu dự án" vành đai và điểm thắt giải phóng mặt bằng

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 06/06/2022 14:29 GMT+7

VTV.vn - Theo phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 19.590 tỷ đồng, còn Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh là 41.589 tỷ đồng

Thảo luận tổ về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nhấn mạnh giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Nếu không đi trước việc triển khai sẽ không khó khăn và tốn kém.

“Chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7 km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha, trong đó thành phố Hà Nội 741 ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường”, ông Dũng nói về công tác giải phóng mặt bằng Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Hai siêu dự án vành đai và điểm thắt giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội)

Theo chủ trương đầu tư, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 19.590 tỷ đồng (TP Hà Nội: 13.370 tỷ đồng; Hưng Yên 3.740 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.480 tỷ đồng).

Cùng quan điểm với Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (đoàn Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh công tác giải phóng mặt bằng là công tác khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh

Theo ông Mãi, dù địa bàn đô thị hóa rất cao nhưng việc nhường đất để thi công một công trình rất quan trọng thì bà con cũng sẽ chia sẻ. Tuy nhiên làm sao ổn định chỗ ở, bồi thường tương đối giúp bà con chuyển đổi nghề và sinh kế mới là điều quan trọng. Đây là vấn đề TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch, sau khi nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này Thành phố sẽ cùng với các tỉnh tổ chức hội nghị ngay để triển khai kế hoạch chi tiết. 

“Đối với TP Hồ Chí Minh, để việc giải phóng mặt bằng nhanh và chuyện tái định cư cho bà con được ổn định thì Thành phố đang rà soát lại các quỹ nhà tái định cư đang có để tiến hành tạm cư, chứ không phải để bà con đi ra ngoài tự thuê, mà sẽ có những địa chỉ tạm cư để trong thời gian ổn định tái định cư cho bà con. 

Trong chính sách bồi thường, những phần đi theo hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hay hỗ trợ sinh kế với tinh thần chỗ ở mới phải đảm bảo bằng hoặc tốt hơn chỗ ở hiện có. Sinh kế, nghề nghiệp được đảm bảo thì đời sống của bà con được ổn định”, ông Mãi nhấn mạnh.

Theo chủ trương đầu tư, dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng. Riêng kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã lên tới 41.589 tỷ đồng.

Hai siêu dự án vành đai và điểm thắt giải phóng mặt bằng - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (đoàn Quốc hội TP Hồ Chí Minh)

Lý giải cho việc chi phí giải phòng mặt bằng, tái định cư ở mức cao, theo ông Mãi, chúng ta quy hoạch dự án từ năm 2011. Đến thời điểm hiện tại gần như hành lang của vành đai 3 bây giờ đã đô thị hóa và phát triển công nghiệp đi theo quy hoạch này cũng rất dày; nhà ở vùng đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư cũng rất đông… Điều này khiến cho nên chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn rất nhiều so với các địa bàn khác, đặc biệt những địa bàn chỉ giải phóng đất nông nghiệp. 

Điểm nghẽn giao thông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Nói về sự cần thiết trong việc triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp hạng khoảng dưới 70/140 nước trên thế giới. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta xếp khoảng hơn 100. Theo đại biểu Lộc, chất lượng hạ tầng, cơ sở giao thông đang là điểm nghẽn, yếu nhất trong chỉ số môi trường kinh doanh.

“Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới, trước hết là hệ thống đường cao tốc. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cũng cho rằng điểm nghẽn lớn nhất về giao thông nằm lại ở chính TP Hồ Chí Minh và Hà nội, những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả cả nước. Do đó triển khai các dự án tại 2 điểm nghẽn này là rất cần thiết. 

Hai siêu dự án vành đai và điểm thắt giải phóng mặt bằng - Ảnh 3.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng việc nâng cao khả năng cạnh tranh là rất cấp bách bởi thế giới đứng trước tác động của đại dịch, sự thay đổi của địa chính trị đang trong quá trình tái cấu trúc. Nếu chúng ta nâng cao được khả năng năng lực cạnh tranh có thể thu hút được vốn đầu tư quốc tế. Đây là cơ hội ngàn vàng, xong muốn làm được điều này phải tạo ra đột phá trên cả cơ sở hạ tầng cũng như thể chế, nguồn nhân lực. 

“Việc xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các địa phương xung quanh là điểm rất quan trọng để tăng cường liên kết vùng, tạo ra sự lan toả cũng như mở rộng không gian phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước