Ngăn chặn mối lo mua hàng giả
Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng đang hóa tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều có nguy cơ bị làm giả.
Cơ quan chức năng nhận định, các hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng chục kg lê có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lê Hàn Quốc. Các đối tượng thiết kế tem, mác trên sản phẩm giống với nhãn mác lê Hàn khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn.
Ông Cho Sung Bae - Đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Người tiêu dùng có thể kiểm tra trên từng quả lê có mã QR, hay tem 7 màu (tem chống hàng giả hologram). Ngoài ra cần kiểm tra nhãn mác để có thông tin của nơi xuất xứ, nhà xuất khẩu, nhập khẩu... để có thể phân biệt sản phẩm".
Hiện đang là thời điểm nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Bước vào cao điểm mua sắm, cũng là lúc các đối tượng xấu gia tăng sản xuất các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng nhằm thu lợi bất chính.
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được rao bán tràn lan trên môi trường trực tuyến. Việc các sàn thương mại điện tử không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa là những lỗ hổng trong công tác quản lý, vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu.
Để chặn mối nguy mua hàng giả, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tăng nặng chế tài xử lý đối với chủ thể vi phạm.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo... Để tận dụng điều này, Việt Nam cần một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, sớm xây dựng khung pháp lý, thể chế phù hợp.
Bên cạnh đó, không chỉ có sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng mà còn cần sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp và sự nhận diện, không thỏa hiệp từ người tiêu dùng.
Tăng cường truyền thông để bài trừ hàng giả
Lực lượng quản lý thị trường cả nước 10 tháng qua đã kiểm tra, phát hiện hơn 62.000 vụ việc hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhằm tăng cường sự hiểu biết cho người dân để chung tay bài trừ hàng giả, hàng nhái, nhiều sự kiện đã được các lực lượng chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo quốc gia 389 tổ chức.
Trên 600 sản phẩm thuộc 9 lĩnh vực, ngành hàng gồm: Hóa - mỹ phẩm; thời trang; giày dép; hàng gia dụng, tiêu dùng; văn phòng phẩm; đồ uống; dược phẩm và thiết bị y tế vừa được Tổng cục Quản lý Thị trường trưng bày và trực tiếp hướng dẫn người tiêu dùng cách thức nhận biết, phân biệt đồng thời cung cấp các địa chỉ có thể mua các sản phẩm chính hãng tại Việt Nam.
Là cơ quan trực thuộc Chính phủ với nhiệm vụ về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia lần đầu tiên đã tổ chức hội nghị để đánh giá công tác phối hợp giữa Văn phòng và các Hiệp hội ngành hàng.
Sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh đều thay đổi và gặp nhiều khó khăn, các loại hình gian lận thương mại ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn. Bên cạnh các giải pháp có tính nghiệp vụ đặc thù của từng ngành hàng, đại diện các Hiệp hội đều nhấn mạnh về giải pháp phòng chống hiệu quả thông qua công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dùng và xây dựng hình ảnh, thương hiệu hàng hóa theo cách mới.
Hoạt động thương mại bất hợp pháp, trái với quy định pháp luật gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế, tới môi trường làm ăn chân chính của các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới sức khỏe và chi tiêu của người dân.
Sự chủ động phối hợp sớm giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và lực lượng chức năng sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế được các hoạt động này, nhất là mùa cao điểm Tết đang đến gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!