Hàng hóa tăng cao, người Nhật hạn chế chi tiêu

Long Nguyễn (PV Đài THVN thường trú tại Nhật)-Thứ năm, ngày 17/08/2023 10:40 GMT+7

VTV.vn - Tại Nhật Bản, khi giá cả hàng hóa tăng nhanh, người dân có xu hướng tiết kiệm hơn để phù hợp với nguồn thu.

Thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên tăng trưởng được cho là chưa bền vững khi tiêu dùng cá nhân bị kiềm chế. Báo Nikkei cho biết, GDP thực tế của Nhật Bản từ tháng 4 đến tháng 6 đã tăng 6%, đánh dấu ba quý tăng trưởng liên tiếp.

Xuất khẩu ô tô và các mặt hàng khác tăng cũng như nhập khẩu giảm đã góp phần đáng kể vào số liệu thống kê tích cực. Số liệu thống kê cũng cho thấy tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% tổng GDP đã tăng chậm lại, chỉ 0,5% do người dân có xu hướng tiết kiệm.

Số liệu công bố trên báo Yomiuri tuần qua cho thấy, trong tháng 6, thu nhập thực tế của chủ các hộ gia đình tại Nhật Bản đã giảm 7,7%, trong khi chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình cũng giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cả tăng cao gây áp lực cho các hộ gia đình, người dân Nhật Bản đang có xu hướng tiết kiệm tiền đối với thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và các hàng hóa khác cần thiết cho cuộc sống.

Hàng hóa tăng cao, người Nhật hạn chế chi tiêu - Ảnh 1.

Tại Nhật Bản, khi giá cả hàng hóa tăng nhanh, người dân có xu hướng tiết kiệm hơn để phù hợp với nguồn thu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters).

Giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến cho người dân Nhật Bản phải thắt chặt hầu bao để đảm bảo cân đối ngân sách gia đình.

Báo Mainichi cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 của Nhật Bản là 105 điểm, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 22 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tăng, kết quả là số lượng mua hàng và khách hàng ngày càng giảm, nhiều người cũng chuyển từ các sản phẩm đắt đỏ như thịt bò sang thịt lợn và thịt gà có giá tương đối rẻ.

Báo Mainichi cũng trích đánh giá của ông Masuda Mitsuo - Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cửa hàng Nhật Bản cho biết, đối với các siêu thị, việc giảm số lượng hàng hóa bán ra là một tổn thất. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ gây áp lực mạnh cho doanh thu và lợi nhuận. Ông Masuda đánh giá, nếu mọi người chi nhiều tiền cho kỳ nghỉ hè này, nhiều khả năng họ sẽ tiết kiệm hơn từ mùa thu tới.

Một yếu tố có thể thúc đẩy giá cả hàng hóa tại Nhật Bản tăng cao trong những tháng tới là giá xăng dầu. Nếu Chính phủ kết thúc chương trình trợ cấp, giá xăng có thể tăng từ mức 180 Yen/1 lít hiện nay lên 195 Yen/1 lít. Các doanh nghiệp buộc phải một phần áp lực giá sang cho người tiêu dùng khiến giá cả hàng hóa dự kiến sẽ còn tăng cao hơn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước