Hãng hàng không ANA đặt mục tiêu giảm 3,8 tỷ USD chi phí trong vòng 2 năm tới. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Tái cơ cấu hàng không sẽ cắt giảm đáng kể các chi phí cố định như: chi phí nhân sự, chi phí bảo trì và các dịch vụ hỗ trợ.
Tái cơ cấu để tồn tại được các hãng hàng không Nhật Bản tiến hành ngay từ thời điểm này. Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA đặt mục tiêu giảm được 3,8 tỷ USD chi phí trong vòng 2 năm tới và điều chuyển hơn 400 nhân viên sang làm công việc khác.
Theo báo Nikkei, hãng hàng không ANA của Nhật Bản đặt mục tiêu cắt giảm 400 tỷ Yen (3,8 tỷ USD) chi phí trong vòng 2 năm tới, dựa trên 5 biện pháp tái cơ cấu trọng tâm: giảm 33 máy bay cỡ lớn; thông qua đàm phán để điều chuyển hơn 400 nhân viên sang làm việc tại các tập đoàn khác như lĩnh vực bán lẻ, điện tử; giảm 30% thu nhập của số nhân viên chính thức; thành lập hãng hàng không giá rẻ và tăng cường các chuyến bay quốc tế tầm trung ngắn, trước hết là khu vực châu Á; tăng cường các hình thức kinh doanh ngoài hàng không như bán sản phẩm du lịch trực tuyến.
Máy bay của Japan Airlines tại sân bay Haneda ở Tokyo. (Ảnh: Nikkei Asia)
Báo Asahi dẫn phát biểu của đại diện hãng hàng không ANA vào ngày 27/10, để giảm chi phí lao động, đến tháng 12 năm nay, hãng ANA sẽ phái cử 100 nhân viên tới làm việc tại 10 công ty khác như: Nojima, các hãng bán lẻ, công ty điện tử tiêu dùng. Quy mô phái cử sẽ mở rộng lên trên 400 người cho đến mùa thu năm 2021. Việc giảm chi phí nhân sự sẽ giúp hãng ANA tiết kiệm số tiền tương đương 1,4 tỷ USD đến tháng 3/2021 và 2,4 tỷ USD đến tháng 3/2022.
Theo bài báo khác trên báo Nikkei, hàng hàng không lớn thứ 2 Nhật Bản Japan Airline (JAL) đã thâm hụt 85 tỷ Yen (hơn 800 triệu USD) trong quý III/2020. Hãng hàng không này đã nhanh chóng đưa ra chính sách giảm chi phí cố định ngay trong tháng 8, mà trọng tâm là giảm chi phí nhân công, chi phí về thiết bị. Japan Airline cũng bắt đầu áp dụng chuẩn thống kê quốc tế EBIT để đánh giá về lợi nhuận kinh doanh.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nhu cầu vận tải hàng không toàn cầu trong năm 2020 dự báo giảm 66% so với năm trước. Các chuyến bay quốc tế hầu như không phục hồi và tổng thâm hụt của ngành hàng không toàn cầu dự báo tăng lên trên 84 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!