Để có thể đưa hàng tiêu thụ trong nước, một công ty dược phẩm Đức phải đào tạo nhân viên, trang bị kho lạnh để bảo quản thuốc, chưa kể phải chịu nhiều loại phí để đủ điều kiện lưu hành hợp pháp. Trong khi đó, hàng xách tay ồ ạt đổ về, trốn thuế nhập khẩu, trốn được nhiều loại phí, không mất tiền bảo quản, giá bán rẻ hơn đã gây ra sức ép lên các đơn vị này.
Không chỉ gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, Việt Nam được cảnh báo có thể đối diện với những vụ kiện quốc tế nếu không kiểm soát được tỷ lệ hàng nhái thương hiệu của các đối tác, nhất là với đối tác nghiêm khắc như châu Âu khi tới đây Việt Nam chính thức bước vào Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
Trong hơn 1 tháng qua, hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa tiêu dùng nhập lậu bị thu giữ. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Các chuyên gia khuyến cáo bản thân các đơn vị nhập khẩu cần xây dựng kế hoạch tiếp cận các kênh phân phối bài bản hơn để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và tra soát nguồn gốc. Đây mới là cách bền vững để thúc đẩy hàng hóa chính ngạch.
Vào tháng 8 tới đây, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều hàng hóa tiêu dùng châu Âu nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam sẽ được giảm hoặc miễn thuế về 0% ngay lập tức, trong đó có những mặt hàng như bánh kẹo, dược phẩm... vốn là những hàng hóa lâu nay vẫn được ưa chuộng theo đường xách tay.
Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều hàng hóa tiêu dùng châu Âu nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam sẽ được giảm hoặc miễn thuế về 0%. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Việc miễn giảm thuế sẽ giúp hàng hóa chính ngạch có giá bán cạnh tranh hơn, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhập khẩu chính hãng được rẻ và dễ dàng hơn thay vì mua hàng xách tay trôi nổi. Tuy nhiên, việc bảo hộ thương hiệu phải được đảm bảo thì mới tạo được động lực cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!