Từng tạo dựng được thương hiệu vững chắc nhờ chất lượng sản phẩm tốt, hiệu quả cao và sự cải tiến sáng tạo không ngừng nhưng trong những năm gần đây các công ty hàng đầu của Nhật Bản lại được nhắc đến nhiều hơn bởi một chuỗi các bê bối trong quản lý và kiểm soát chất lượng mà mới nhất chính là vụ việc của Kobe Steel.
Trước Kobe Steel, Takata Corp đã rơi vào tình trạng phá sản sau vụ bê bối túi khí khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, đồng thời gây ra những đợt triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Tập đoàn Toshiba danh tiếng một thời hiện cũng đang đứng bên bờ vực phá sản do những yếu kém, sai phạm trong quản lý, trong đó đáng chú ý nhất là vụ bê bối kế toán gây chấn động thế giới năm 2015.
"Ngày càng có nhiều vụ sai phạm được dư luận biết đến. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tiền của họ được đầu tư vào những công ty được quản lý tốt và tuân thủ các quy định", ông Keita Kubota - Nhà quản lý đầu tư công ty Aberdeen Asset Management cho biết.
Theo các chuyên gia, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã đẩy mạnh việc cải cách quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên trọng tâm chủ yếu lại nhằm vào việc nâng cao lợi nhuận hơn là ngăn chặn các sai phạm. Hệ quả là trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp không ngừng tăng lên, số vụ bê bối bị phát hiện đối với các công ty được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán cũng đã tăng gấp đôi.
Nếu không sớm được khắc phục thực tế trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của những thương hiệu Made in Japan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!