Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm chạp, Chính phủ mới của Hàn Quốc đã đặt ra mục tiêu trước mắt là phải phục hồi tiêu dùng trong nước. Trong 5 năm gần đây, 4.000 cửa hàng đồ xa xỉ tại Hàn Quốc đã báo lỗ 12%. Doanh thu giảm, chi phí thuê mặt bằng lại quá cao, khiến hàng loạt cửa hàng phải ngưng hoạt động.
Louis Vuiton, Prada, Chanel... hầu hết các thương hiệu xa xỉ toàn cầu đều có thể tìm thấy trên dãy phố Cheongdam-dong, khu mua sắm sang trọng bậc nhất tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Chi phí thuê mặt bằng tại đây cũng cao gấp 3 lần so với những con phố mua sắm bình thường.
Nhưng vì vắng khách, hàng loạt cửa hàng đã phải đóng cửa im lìm và suốt một năm qua vẫn chưa tìm được chủ nhân mới. Việc kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn, nên nhiều nhãn hàng đã quyết định chuyển hướng sang bán online.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến đã hợp tác với các nhà bán lẻ ngoại tuyến để tạo một sự đột phá trong chiến lược kinh doanh. Người tiêu dùng vừa mua được giá rẻ, chất lượng, vừa được đảm bảo chính sách hậu mãi không khác gì mua ở cửa hàng. Vào năm 2016, doanh số bán hàng trực tuyến của Hàn Quốc đạt 850 tỷ Won, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước.
Giới chuyên gia nhận định, trong thời đại công nghệ số, việc mua sắm trực tuyến mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nhà sản xuất. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận hơn với những mặt hàng xa xỉ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!