Hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 07/02/2022 20:37 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch tạo đã niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiềm năng tăng trưởng từ gói hỗ trợ tài khóa

Ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân năm nay ở mức 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép; phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và phấn đấu đạt các mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng để giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch. Trong đó, gói hỗ trợ tài khóa có quy mô tới 291.000 tỷ đồng, bao gồm: giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển về y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Năm trước Công ty Cổ phần 22 nộp 15 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng và dự kiến năm nay sẽ nộp cao hơn. Nhưng từ đầu tháng 2, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, thuế giá trị gia tăng được giảm từ 10% xuống còn 8% sẽ giúp doanh nghiệp giảm hơn 3 tỷ đồng tiền thuế. Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

"Chúng tôi sẽ bán được nhiều sản phẩm, từ đó doanh thu tăng lợi nhuận và năm 2022 chắc chắn việc làm của người lao động sẽ ổn định hơn", Đại tá Tạ Cao Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần 22 cho hay.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng được xem như đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội. Qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.

Hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch - Ảnh 1.

Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng để giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa - Dân trí.

TS Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cho biết: "Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích thích đầu tư nước ngoài bởi khi chúng ta ưu đãi thuế và phí sẽ giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt các nguyên liệu đầu vào cũng có thể được giảm trực tiếp giúp cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tích cực trong năm tiếp theo".

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu Nghị quyết đã đề ra phải ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh và tập trung vốn cho các dự án đầu tư công quan trọng, cấp thiết, qua đó tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.

"Hỗ trợ được tập trung cho y tế sẽ giúp chúng ta chủ động phòng chống dịch và mở cửa kinh tế an toàn để hội nhập kinh tế thế giới. Chúng ta đầu tư vào lĩnh vực then chốt hạ tầng giao thông sẽ không chỉ giúp kết nối giao thông tạo nguồn lực phát triển, mà còn lan tỏa sang các ngành khác của nền kinh tế và phát triển lâu dài. Như vậy, vừa mở cửa kinh tế chủ động vừa tăng cường các nguồn lực cho các ngành lĩnh vực phát triển sẽ tạo bứt phá của nền kinh tế trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo", ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh phải điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn đảm bảo lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn

Hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng để giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch cũng góp phần tạo niềm tin cho khối doanh nghiệp trong nước. Con số 13.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 19 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ngay trong tháng 1 đầu năm đã cho thấy điều đó.

Còn đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, cũng trong tháng đầu tiên năm nay, Việt Nam thu hút được 2,1 tỷ USD vốn FDI, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ngân hàng HSBC, kinh tế Việt Nam năm nay có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% nhờ đầu tư nước ngoài tăng mạnh mẽ trở lại và tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, phát triển xanh.

Năm mới, Foxconn cho biết sẽ đưa thêm một số sản phẩm mới vào sản xuất như: Note book, iPad…; đồng thời cũng sẽ là cầu nối đưa thêm một số thương hiệu quốc tế vào Việt Nam.

Ông Trác Hiến Hồng - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam cho hay: "Hiện nay, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn Foxconn tại Bắc Giang là 1,3 tỷ USD. Chúng tôi rất mừng ngay từ tháng 10/2021 Chính phủ Việt Nam ban hành quy định "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong điều kiện bình thường mới. Đây là điều kiện để chúng tôi tự tin với những đầu tư mới đáp ứng xu hướng công nghệ từ phía đối tác".

Hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch - Ảnh 2.

13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 19 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ngay trong tháng 1. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Còn một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất Hàn Quốc là Samung cũng vừa tăng thêm gần 1 tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam. Dù khó khăn do dịch bệnh, doanh thu của tập đoàn tại Việt Nam năm qua vẫn tăng khoảng 14%, đạt hơn 74 tỷ USD. 

"Ngay trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ và áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Nhờ đó Samsung đã sản xuất ổn định, không gián đoạn", ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho hay.

Trong tháng đầu tiên của năm mới, số vốn đầu tư FDI thực hiện đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Có 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,27 tỷ USD, tăng gần 170% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, qua khảo sát hơn 1.200 hội viên, có tới 58% doanh nghiệp châu Âu tin tưởng ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý I và gần một nửa có kế hoạch tăng đầu tư ngay trong quý đầu tiên của năm.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay: "Điều thú vị là những con số trên cho thấy sự tín nhiệm của các doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam khi đại dịch đã được kiểm soát, cũng như theo định hướng rõ ràng của Chính phủ sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao lòng tin của doanh nghiệp hơn nữa".

Trong Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được ban hành, Chính phủ cũng xác định mức độ ưu tiên cao hơn cho việc dỡ bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định gây cản trở đầu tư, kinh doanh. Điều này vừa có ý nghĩa trong thu hút FDI, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "Không để tháng Giêng là tháng ăn chơi" và yêu cầu "các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngay từ đầu năm, quyết tâm cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025". Việc tập trung làm việc ngay sau kì nghỉ Tết là cơ hội vàng để đất nước phục hồi kinh tế, bắt nhịp lại đà tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước