Tôm hùm bông có thời điểm lên đến 2,6 triệu đồng/kg. Hiện tại, giá tôm rớt xuống còn 1 triệu đồng/kg. Giá giảm sâu, nhưng tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn. Hàng trăm tấn tôm hùm bông đang bị ứ đọng ở vùng nuôi các tỉnh Nam Trung Bộ, không xuất được sang thị trường Trung Quốc, sau khi nước này xếp tôm hùm bông vào danh mục các loài động vật nguy cấp hoang dã cần được bảo vệ.
Hiện các bộ, ngành cùng các tỉnh Nam Trung Bộ đang tiếp tục tháo gỡ bế tắc trong xuất khẩu tôm hùm bông. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến Tết Nguyên đán phải giải quyết lượng tôm hùm bông còn tồn đọng. Nếu không, người nuôi tôm hùm khó cầm cự với nghề nuôi.
Tại vùng nuôi thủy sản ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nơi đứng đầu cả nước về sản lượng tôm hùm bông, tôm hùm bông đã đến kỳ xuất bán, nhưng vẫn phải nằm trong lồng nuôi. Mỗi ngày, người nuôi tiếp tục phải cho tôm hùm ăn, nghĩa là chi phí nuôi không dừng lại, kéo theo những khoản nợ chất chồng.
Hàng trăm tấn tôm hùm bông đang tồn đọng, người nuôi có nguy cơ phá sản, lâm vào nợ nần. (Ảnh: PLO)
"Bà con phải vay ngân hàng để cho tôm ăn, khi bán không được thì bà con rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Trung, Thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa, cho biết.
Chưa có con số thống kê cuối cùng, nhưng ước tính, lượng tôm hùm bông ứ đọng lên đến hàng trăm tấn, tính chung ở 2 vùng nuôi tôm hùm trọng điểm là Khánh Hòa và Phú Yên. Người nuôi ít thì tồn đọng 1.000 - 2.000 con, nhiều thì hàng chục nghìn con tôm hùm bông.
"HTX 32 thành viên hiện tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt, vướng mắc nhất là không thể đi sang Trung Quốc được", ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản và Du lịch Vân Phong, Khánh Hòa, cho hay.
Từ tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã đưa tôm hùm bông vào danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ. Để xuất khẩu được tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm không trực tiếp đánh bắt từ biển, phải minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, con giống tôm hùm bông phải là thế hệ F2. Những quy định này là rào cản hết sức khó khăn đối với doanh nghiệp khi xuất tôm hùm bông sang Trung Quốc.
"Bộ Công Thương khẳng định sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán, tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán để giải phóng tôm hùm bông mà chúng ta đang nuôi. Thứ hai về giống, đây là vấn đề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứ không phải Tổng cục Hải quan Trung Quốc nên chúng ta phải đàm phán với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Năm nay, sản lượng tôm hùm ở vùng nuôi các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 4.000 tấn, trong đó tôm hùm bông chiếm khoảng 25% sản lượng. Cùng với nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để giải quyết lượng tôm hùm bông tồn đọng, một yêu cầu khá bức bách tiếp tục đặt ra ở vùng nuôi tôm hùm là phải nhanh chóng thay đổi theo hướng thích ứng với các quy định từ thị trường các nước tiêu thụ tôm hùm.
Không tăng nóng sản lượng tôm hùm
Tôm hùm bông đứng đầu về giá trị kinh tế trong nhóm các mặt hàng thủy sản nuôi trồng. Tuy nhiên, có đến 90% tôm hùm Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch, nên thường xuyên gặp rủi ro đầu ra.
Các chuyên gia nhận định, những gì đang xảy ra từ vùng nuôi đến thị trường tôm hùm hiện nay là kết cục khó tránh khỏi khi người nuôi tôm hùm chỉ biết tập trung nuôi mà không biết rõ về thị trường. Về mặt quản lý, không ít vùng nuôi tôm hùm phát triển ồ ạt, bỏ qua những quy hoạch gắn với thị trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng tôm hùm đem lại nguồn thu trung bình mỗi năm từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuỗi tôm hùm từ vùng nuôi đến thị trường lâu nay hết sức lỏng lẻo và thường xuyên bị đứt gãy.
Từ 75 - 90% sản lượng tôm hùm được xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Về con giống, hiện có đến 90% giống tôm hùm nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng việc kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn.
Xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu chính ngạch
Như vậy, việc đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết, muốn vậy cấp thiết phải tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc. Người nuôi cần tập trung theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi mật độ vừa phải và đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.
"Chúng tôi cùng Cục Thủy sản, Viện Quy hoạch nông nghiệp đang tiến hành hỗ trợ HTX chuỗi giá trị, tập huấn cho bà con, liên kết cộng đồng giữa công ty giống cũng như công ty thức ăn, lập mã vùng để xuất bán sang các nước trên thế giới, tăng giá trị, giảm bớt vùng nuôi tối thiểu ảnh hướng tới môi trường", ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, Phú Yên, cho biết.
Tôm hùm bông tồn đọng, rớt giá khiến người nuôi lao đao. (Ảnh: PLO)
"Doanh nghiệp là đầu tiên, đến người nuôi tôm, người quản lý địa phương và trung ương, kể cả nhà khoa học. Vì sao các bên phải tham gia như vậy, mới tạo được chuỗi? Bởi vì để tạo ra chuỗi ngành hàng này, chúng ta cần truy xuất nguồn gốc từ khâu đầu tiên, nuôi ở vùng nào, quy trình ra sao và được xuất khẩu chính ngạch", PGS.TS. Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, nhận định.
Ở một góc độ khác, hiện nay, tỷ lệ tôm hùm Việt Nam xuất sang Trung Quốc mới chỉ đạt 1% tổng số tôm nước này nhập khẩu. Hiện tại, Trung Quốc chủ yếu nhập tôm hùm bông từ Mexico, Mỹ, Canada.
Ngay cả trong nước, dù thị phần tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 20% sản lượng, nhưng tôm hùm Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh mạnh bởi tôm hùm ngoại. Cụ thể, tôm hùm Đông Úc khi nhập về Việt Nam được bán với giá lên đến 2,3 triệu đồng/kg, nhưng vẫn hút người mua vì được đánh giá cao về chất lượng thịt và quy trình nuôi. Nói về điều này để thấy, dù là thế mạnh phát triển ở một số tỉnh phía Nam Trung Bộ, nhưng để tôm hùm cạnh tranh được trên thị trường không dễ dàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!