Đó là những vấn đề đã được các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế tại Hội thảo Du lịch Việt Nam 2021 do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây.
Năm 2020, khách du lịch quốc tế và nội địa lần lượt sụt giảm 80% và 34% so với năm trước đó. Bước sang năm nay, tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến du lịch vẫn chưa thể "phá băng". Theo các đại biểu tại Hội thảo, trong tình hình mới, việc phục hồi du lịch cần đảm bảo 3 điều kiện "an toàn - mở - đồng bộ" trong cả điểm đến, phương tiện đi lại và các yêu cầu phòng chống dịch liên quan.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết: "Các ngành các cấp phối hợp với ngành du lịch xây dựng bộ tiêu chí an toàn và hướng dẫn cho các doanh nghiệp quy trình đón khách du lịch và xử lý khi gặp các trường hợp lây nhiễm trong quá trình hoạt động du lịch".
Về hỗ trợ tài chính, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Nhà nước xem xét tiếp tục kéo dài các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT của năm nay và 2 năm tới. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch theo hướng không cao hơn 3% so với lãi suất tiền gửi.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế, nhận định: "Chúng ta nên tách và giảm tiền thuế đất đối với những đất lưu không hoặc là đảm cho cây xanh như vậy du lịch sẽ có đk để phù hợp hơn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp".
Ở nhóm chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo công ăn việc làm để nối lại chuỗi lao động trong ngành du lịch. Các doanh nghiệp cũng cho rằng các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái, du lịch xanh, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe... du lịch thông minh qua các trải nghiệm bằng công nghệ tiên tiến sẽ là điểm nhấn thu hút du khách sau đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!