"Kinh tế bứt tốc ấn tượng" là nhan đề bài viết đáng chú ý trên tờ Đầu tư, trong đó cho thấy nền kinh tế trong quý III đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính lên tới 7,46%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm lên trên 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vẫn có những ý kiến lo ngại về mục tiêu phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm nay mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra, tuy nhiên mức tăng trưởng 7,46% của quý III là cơ sở cho thấy sự kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng thực hiện trong thời gian qua. Đóng góp vào mức tăng trưởng được coi là cao nhất trong 10 năm qua này có sự đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng với công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.
Cùng với tăng trưởng trong các lĩnh vực trên thì một thông tin rất khác cũng không thể bỏ qua, đó là Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao kỷ lục và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã vượt cả năm ngoái.
Thời báo kinh tế Việt Nam cho biết chỉ trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã lên tới gần 25,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm năm ngoái, trong đó vốn giải ngân cũng tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13%.
Việc Việt Nam tiếp tục trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã cho thấy Việt Nam vẫn là ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài với triển vọng kinh tế tích cực, thể hiện qua việc Chính phủ trong 4 năm liên tiếp đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thông tin này cũng rất phù hợp với báo cáo về cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới mới được công bố.
Báo Thanh niên dẫn Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 cho biết, Việt Nam nhảy lên vị trí thứ 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Đặc biệt, Việt Nam được nhận định là có những tiến bộ đáng chú ý về công nghệ và hiệu quả thị trường lao động.
Theo tờ Công Thương, cho đến giữa tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 290 tỷ đô la Mỹ, tăng 21%. Nhập siêu đã giảm xuống chỉ còn gần 700 triệu USD, tương đương với khoảng 0,5% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt là các chuyên gia kinh tế cho rằng xuất khẩu năm nay sẽ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.
Không chỉ là những tín hiệu vui trong xuất khẩu, tuần qua, báo chí cũng đã đề cập nhiều tới con số 675. Đây là số các điều kiện kinh doanh được Bộ Công Thương cắt giảm trong số 1220 điều kiện kinh doanh mà bộ này quản lý sau một thời gian ngắn rà soát theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhiều tờ báo trong tuần đã tiếp tục đánh giá cao động thái tiên phong này của Bộ Công Thương.
Báo Sài Gòn giải phóng khẳng định việc bãi bỏ 675 điều kiện là "quyết định lịch sử" nhằm xóa bỏ lực cản nội tại. Trong khi tờ Đại đoàn kết cho rằng đây là hành động vì doanh nghiệp. Báo Đầu tư gọi đây là một cuộc cách mạng kinh doanh từ Bộ Công Thương.
Việc Bộ Công Thương cắt giảm các điều kiện kinh doanh sẽ giúp cởi trói cho doanh nghiệp, tuy nhiên báo chí và dư luận cũng mong muốn rằng việc cắt giảm sẽ mang tính thực chất, không phải là cắt điều kiện này để rồi "đẻ" ra điều kiện khác, thậm chí đôi khi còn khó khăn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!