Cái khó hàng đầu của Công ty in Minh Mẫn, TP.HCM không phải là nguồn vốn đầu tư công nghệ mà chính là kiếm đâu ra công nhân kỹ thuật để có thể vận hành và làm chủ hệ thống.
Đây cũng là khó khăn chung của 43 doanh nghiệp tại 4 tỉnh tham gia khảo sát với chương trình đổi mới đào tạo nghề gắn kết giữa doanh nghiệp và trường nghề với sự hỗ trợ của tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ. Và cái khó đã được tháo gỡ với mô hình thí điểm được thực hiện từ năm 2016. Để có thể tự tin vận hành hệ thống thiết bị khoan cắt có độ dầy lên đến 10 mm, anh Nguyễn Thanh Điền - nhân viên Công ty TNHH Martech - đã trải qua khóa đào tạo với phần lý thuyết cơ bản tại trường Cao đẳng Nghề Lilama 2 và phần thực hành hệ thống công nghệ tại doanh nghiệp.
Không chỉ anh Điền và 15 bạn học cùng khóa được đào tạo theo mô hình mới, chính những lao động tại doanh nghiệp như anh Tuấn cũng được theo học những kỹ năng đặc biệt để trở thành những nhân viên đào tạo tại chỗ. Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng mô hình này là hiệu quả khi đào tạo ở nhà trường rất cơ bản cả về kỹ năng và phẩm chất cho người lao động, còn doanh nghiệp có thế mạnh tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, chỉ có hơn 1/3 doanh nghiệp tham gia khẳng định sẽ tiếp tục và mở rộng mô hình hợp tác.
Chính vì vậy, hiệp ước xã hội về đào tạo nghề còn cần phải được xem xét về hành lang pháp lý để có được cam kết dài hạn của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp là một thành tố quan trọng để hiệp ước xã hội về dạy nghề trở thành hiện thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!