Hạn mặn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều địa phương ở ĐBSCL đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là các địa phương vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, hai khu vực ở các tỉnh Trà Vinh và Kiên Giang từng bị ảnh hưởng thiệt hại nặng do hạn mặn trong những năm trước hiện đang ổn định hiệu quả sản xuất nhờ nông dân đã chủ động thay đổi phương thức canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dưới nắng nóng khô hạn gay gắt, những dãy ớt trên vùng chuyên canh màu ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh lại vẫn giữ màu tươi xanh. Từng là địa phương bị thiệt hại trồng lúa nặng nề do hạn mặn vào năm 2016, bà con đã chuyển sang trồng màu, an tâm sản xuất trong vụ này.
Trong những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã không còn nơm nớp nỗi lo do hạn mặn gây thiệt hại sản xuất. Tại vùng chuyên canh hai vụ lúa, hiện bà con chuẩn bị thu hoạch tôm nuôi quảng canh. Việc chuyển đổi luân canh hai vụ lúa - tôm đã tỏ rõ hiệu quả trong mùa hạn mặn năm nay.
Tại huyện An Biên, trong vụ này có khoảng 15.000ha chuyển sang nuôi tôm quảng canh, nhiều hộ thu hoạch đạt khoảng 450 kg/ha. So với vụ trước, việc nuôi tôm có chi phí không cao hơn, nhẹ công chăm sóc nhưng một vụ mỗi công vẫn cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng, hiệu quả cao và rất thiết thực. Trên thực tế, việc này còn tháo gỡ khó khăn do tranh chấp mặn ngọt gay gắt trong những năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!