Điểm đặc biệt của cánh đồng lúa Japonica đang chuẩn bị thu hoạch tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là không chỉ sản xuất giống lúa chất lượng cao, cánh đồng này còn được doanh nghiệp bao tiêu từ trước khi nông dân xuống giống. Do đó, liên tiếp trong 3 vụ lúa vừa qua, nông dân không phải lo lắng về giá cả đầu ra. Do nông dân có được hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, sản xuất giống chất lượng cao nên lúa được bao tiêu với mức giá khá tốt, từ đó lợi nhuận tăng cao đáng kể.
Để có mức lợi nhuận cao như vậy, nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ có những cam kết bao tiêu bền vững cho nông dân.
Hiện nay, ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, diện tích của nhiều cánh đồng liên kết đã tăng đến hàng chục tới hàng trăm ha. Do đó, doanh nghiệp có thể tập trung được nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng cao để cạnh tranh xuất khẩu. Câu chuyện gạo Việt Nam liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính từ đầu năm đến nay đã phần nào khẳng định tính hiệu quả và bền vững của chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo.
2,2 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu mà ngành gạo nước ta đạt được trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2017. Việc liên tiếp tăng trưởng về mặt giá trị này cho thấy, ngành gạo nước ta đã có những thay đổi rõ nét và đang đi vào quỹ đạo phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!