Khó khăn trong xử lý dữ liệu hồ sơ Pandora
Chiếc hộp Pandora chứa đựng nhiều bí mật xấu xa và đen tối - tưởng chừng chỉ có trong thần thoại Hy Lạp - đã lại xuất hiện trong một vụ bê bối tài chính gây chấn động mới nhất. "Hồ sơ Pandora" đã được Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đặt tên cho một hồ sơ điều tra bao gồm 11,9 triệu tài liệu về các hoạt động tài chính ngầm của giới siêu giàu và quyền lực. Một vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử không chỉ bởi lượng dữ liệu thu thập được, mà nó còn cho thấy sự công phu của hơn 600 nhà báo quốc tế trong việc xử lý khối lượng dữ liệu lớn này.
Nếu như trong các vụ rò rỉ tài liệu trước đây mà chúng ta từng biết như Hồ sơ Panama năm 2016 hay Hồ sơ Paradise năm 2017 thì chỉ có 1 đến 2 công ty liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tài sản ở nước ngoài, hiểu đơn giản chính là những công ty giúp những người giàu có, các chính trị gia che giấu khối tài sản khổng lồ của mình thông qua những công ty bình phong tại thiên đường thuế ở nước ngoài, thì tới Hồ sơ Pandora lần này con số lên tới 14 công ty cung cấp các dịch vụ tài sản như vậy.
Theo Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế, dữ liệu từ Hồ sơ Pandora trải dài trong giai đoạn từ năm 1970 đến 2020, ở nhiều dạng ngôn ngữ như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Arab, Hàn Quốc. Nhiều tài liệu được sắp xếp theo khách hàng, theo văn phòng hoặc không theo hệ thống rõ ràng nào cả. Một số công ty thì số hóa hồ sơ và cấu trúc trong các bảng tính, một số khác lưu giữ bằng các bản scan... Cuối cùng, một cơ sở dữ liệu tập trung đã được xử lý và danh tính của 29 nghìn chủ sở hữu các công ty vỏ bọc đã dần xuất hiện với nhiều chính trị gia còn đương chức, thậm chí là đang tranh cử hay các tỷ phú trong bảng xếp hạng của Forbes.
Ngành công nghiệp dịch vụ tài chính nước ngoài
Báo chí quốc tế nhận định, thông qua Hồ sơ Pandora, các nhà báo quốc tế đã phơi bày mặt tối của thế giới tài chính, hé mở cánh cửa về guồng quay bí mật trong các dịch vụ tài chính nước ngoài - đang cho phép giới tài phiệt, chính trị gia các nước… giấu tài sản và trốn tránh trách nhiệm đóng góp cho xã hội.
Để phân tích sâu hơn câu chuyện này, phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh đã cùng kết nối với phóng viên Lê Tuyển, Thường trú Đài THVN tại Mỹ.
PV: Vai trò của các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài trong hồ sơ Pandora là gì? Cách họ lập công ty giúp giới siêu giàu, chính trị gia là như thế nào?
Phóng viên Lê Tuyển: Người ta ví von là hệ thống thuế toàn cầu đang bị biến thành cây ATM cho người giàu, mà người có vai trò "biến hoá" như vậy chính là các công ty dịch vụ tài chính bình phong. Trong vụ Hồ sơ Pandora thì có tới 14 công ty dịch vụ tài chính liên đới.
Cách thức của các công ty này là giúp thân chủ "che giấu" bới tài sản thật bằng việc mua bất động sản ở nước ngoài, hoặc bí mật sở hữu một mạng lưới các công ty nước ngoài khác.
Ví dụ một công ty dịch vụ bình phong như thế sẽ đứng ra mua một ngôi nhà có trị giá 30 triệu USD tại Mỹ. Sau đó, tuỳ theo thoả thuận giữa 2 bên, họ có thể chuyển giao quyền sở hữu cho thân chủ bất cứ lúc nào.
Còn làm sao để thành lập được các công ty bình phong như vậy? Các công ty này thường được thành lập ở 1 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó có luật lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xác định chủ sở hữu. Những thiên đường truyền thống kiểu như vậy gồm các lãnh thổ hải ngoại của Anh như quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin còn mới nổi lên thì có bang Nam Dakota, Florida, Nevada và một số bang khác ở Mỹ.
"Hồ sơ Pandora" hé lộ hoạt động tài chính ngầm của nhiều lãnh đạo và nhân vật quyền lực, nổi tiếng trên thế giới - Ảnh: ICIJ
PV: Báo chí Mỹ nói gì về việc nước này giờ là thiên đường thuế còn lớn hơn cả các thiên đường thuế thường được nhắc?
Phóng viên Lê Tuyển: Theo báo chí Mỹ, trong vòng 1 thập kỷ qua, Nam Dakota, Florida, Nevada và khoảng chục bang khác tại Mỹ đã tự biến mình thành những trung tâm buôn bán bí mật tài chính. Có hai lý do khiến các bang này có thể làm được điều đó.
Thứ nhất, hầu hết các biện pháp hay chính sách của Mỹ lại đang nhắm tới những thiên đường truyền thống ngoài khơi như Bahamas, Cayman và các quần đảo khác, mà bỏ qua các bang trên đất liền.
Thứ hai, mối quan tâm chủ yếu của Mỹ hiện nay là làm sao yêu cầu các nước chia sẻ thông tin về hoạt động ngân hàng của người Mỹ ở nước ngoài. Chứ không phải chiều ngược lại là của các công ty nước ngoài vào Mỹ.
Qua các vụ việc có thể thấy Mỹ đang có vai trò rất quan trọng trong việc chấm dứt tình trạng lạm dụng tài chính ở nước ngoài bởi tầm ảnh hưởng của hệ thống ngân hàng nước này trên quy mô toàn cầu và bởi vai trò của đồng đô la khi được giao dịch như 1 phương thức quốc tế.
Mỹ nổi lên là một "thiên đường thuế hàng đầu"
Trong Hồ sơ Pandora có nhấn mạnh: Mỹ là một trong những thiên đường thuế "hút khách" hàng đầu thế giới. Dữ liệu từ đợt rò rỉ này cho thấy bang South Dakota là nơi cất giữ số của cải trị giá hàng tỷ USD có liên quan tới những cá nhân từng bị cáo buộc thực hiện tội phạm tài chính nghiêm trọng.
South Dakota đã trở thành một trong những trung tâm tài chính nước ngoài lớn nhất. Trong vài năm qua đã có hàng chục triệu USD được chuyển đến từ các khoản đầu tư ra nước ngoài "truyền thống", chẳng hạn từ Bahamas hay quần đảo Cayman về đây.
Và đây không phải là bang duy nhất.
Nhà báo Debbie Cenziper, Báo Bưu điện Washington, cho biết: "Nhiều bang như Alaska, South Dakota, Nevada, và Delaware đã trở thành thiên đường thuế cho nhiều khách hàng toàn cầu".
Nhiều bang tại Mỹ có những quy định hay bộ luật mang chủ nghĩa tự do, thuận theo kinh tế thị trường nhất, kể cả đối với những chủ tài khoản từ nước ngoài.
Nhà báo Greg Miller, Báo Bưu điện Washington, chia sẻ: "Trước kia, South Dakota không phải là một bang giàu có. Chỉ cho đến khi các luật sư đề xuất với các nhà làm luật điều chỉnh các chính sách để biến nơi đây thành một thiên đường thuế, từ đó mới tạo ra nhiều việc làm, và của cải. Nhiều giới chức đã bị thuyết phục".
ICIJ, một nhóm phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, là một mạng lưới toàn cầu của các phóng viên và các tổ chức truyền thông, những người làm việc cùng nhau để thăm dò các câu chuyện quan trọng trên thế giới. Ảnh: devdiscourse.com
Mặc dù bộ luật của bang South Dakota yêu cầu cá nhân muốn đặt công ty ủy thác tại đây phải xác thực danh tính. Tuy nhiêu các điều khoản lại mập mờ, không nói rõ ai sẽ được chấp nhận, và ai thì không.
Theo tờ Người Bảo vệ của Anh, bản thân việc thiết lập hoặc thu lợi từ các tổ chức tài chính nước ngoài không phải là bất hợp pháp và trong một số trường hợp, mọi người có thể có lý do chính đáng để làm như vậy, chẳng hạn liên quan lý do an ninh. Tuy nhiên, chính sự bí mật tại các thiên đường thuế đôi khi tạo ra kẽ hở cho nhiều đối tượng trốn thuế hay rửa tiền.
Nhà báo Will Fitzgibbon, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), cho biết: "Thiên đường thuế bản chất là hợp pháp, tuy nhiên, nhiều thiên đường thuế được sử dụng suốt nhiều năm qua đã bị làm cho méo mó. Nhiều tổ chức tín thác đã lợi dụng kẽ hở cho những mục đích không đúng đắn, hoặc tiếp tay cho những hoạt động tội phạm".
Các chuyên gia nhấn mạnh các thiên đường thuế đang làm trầm trọng thêm các vấn đề liên quan đến đạo đức và sự bất bình đẳng thu nhập xảy ra trên thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế, cho rằng Hồ sơ Pandora sẽ có tác động lớn hơn những lần rò rỉ trước, đặc biệt là khi hồ sơ lần này xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và buộc chính quyền các nước phải vay mượn khoản tiền lớn chưa từng thấy. Ước tính số tiền từ 5,6 - 32 nghìn tỷ USD đang bị một số người giàu có và quyền lực nhất thế giới che giấu ở nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!