Nhân viên chuyển hàng lên xe xuất khẩu. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Điều này đang mở ra triển vọng xuất khẩu đối với mía Hòa Bình sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19.
Đơn hàng gồm 17 tấn mía trắng đã qua sơ chế, làm sạch, bỏ hết mắt mía để đảm bảo không có sự du nhập của thực vật lạ vào nước sở tại. Đi cùng lô mía còn có 10 máy ép nước mía, cho thấy sự định hình về cách thức, phân khúc khách hàng tại nơi tiêu thụ.
Dự kiến sau khoảng 35 ngày, mía sẽ cập cảng tại Mỹ. Để chuẩn bị cho xuất khẩu, Hòa Bình đã chuẩn hóa vùng nguyên liệu mía theo quy trình VietGAP và tiến tới cấp mã số vùng trồng dù thị trường chưa có yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, từ năm 2019, cây mía Hòa Bình không chỉ có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước mà đã dần tìm đường xuất khẩu. Bắt đầu chỉ từ 120 kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm, năm 2020 đạt 5,7 tấn; năm 2021 đạt 74 tấn; năm 2022 đạt 300 tấn.
Từ thị trường đầu tiên là Nhật Bản, sản phẩm này đã mở rộng sang thị trường khác như: Hàn Quốc, Anh, EU. Việc khách hàng quay trở lại và lượng đặt hàng tăng nhanh qua các năm là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản đã đứng được những thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh mỗi thị trường yêu cầu một quy cách sơ chế, đóng gói, bao bì nhãn mác riêng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!