Lượng khách hàng khiếu nại hoá đơn tiền điện tăng mạnh
Ngày 26/6, Đoàn kiểm tra về hóa đơn tiền điện tăng bất thường bước sang ngày làm việc thứ hai tại Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội).
Đoàn kiểm tra được EVN thành lập ngay sau loạt phản ánh hoá đơn tăng bất thường với sự tham gia đại diện Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng.
Theo thông tin từ EVN Hà Nội, sản lượng điện tiêu thụ từ 1-22/6 liên tục tăng cao, có ngày 9/6 đạt tới 89,209 triệu kWh, cao nhất từ trước điện nay.
Trong đó, có tới 97.287 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 200 - 300% so với tháng liền kề; 110.039 khách hàng tăng trên 300%.
Tại cuộc làm việc chiều nay (26/6), bà Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội cho biết, thời điểm nắng nóng gay gắt cũng là lúc số lượng khiếu nại, kiến nghị của khách hàng tăng vọt.
"Tháng 6 năm nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 4.000 cuộc gọi. Mùa nắng nóng khách hàng cũng khó tính hơn. Rất nhiều khách hàng mất bình tĩnh, thậm chí còn mắng chửi", bà Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
Bà Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội cho biết, kiến nghị của khách hàng về hoá đơn tiền điện tăng vọt.
Đại diện EVN Hà Nội cho biết tiếp nhận số lượng kiến nghị của khách hàng đến trung tâm chăm sóc khách hàng từ 1-22/6/2020 là gần 62.000 yêu cầu. Trong số này, có khoảng 3.500 phản ánh, khiếu nại liên quan đến hoá đơn tiền điện và chỉ số công tơ, tăng 4,6 lần so với tháng 5/2020.
Có mặt tại buổi làm việc, đại diện Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh liên quan tới hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Vị này nhấn mạnh, giá bán điện không phải là nguyên nhân tăng giá điện vừa qua. Thậm chí, nhiều khách hàng còn được giảm giá do dịch Covid-19. Tiền điện tăng cao là do tăng sản lượng điện tiêu thụ, đại diện Cục điều tiết điện lực nêu.
"Theo thống kê của EVN Hà Nội, lượng sử dụng điện tăng cao, nhiều khách hàng dùng điện tăng gấp 4 lần. Việc sử dụng điện tăng cao thì "nhảy" lên bậc thang càng cao, giá sẽ càng cao. Do vậy, khi sản lượng tăng 1,7 thì tiền điện tăng hơn 2 lần", đại diện Cục điều tiết điện lực cho rằng EVN cần tuyên truyền để người hiểu rõ hơn việc cách tính hoá đơn điện, như vậy có thể là cách giảm thắc mắc, khiếu nại.
Còn ghi chỉ số bằng mắt thường, còn sai sót
Nêu quan điểm xuất phát từ vai trò đại diện người sử dụng điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết vừa qua, rất nhiều người dân lên tiếng đặt câu hỏi, vì sao điện không như các hàng hoá khác, dùng càng nhiều càng rẻ hay tại sao không để một giá.
Theo ông Hùng, đó là những câu hỏi thực tế xuất phát từ dư luận, điều quan trọng là minh bạch thông tin.
Liên quan đến thắc mắc của người dân về sự bất cập về biểu giá bán lẻ điện hiện nay, đại diện Cục điều tiết điện lực nhấn mạnh, điện không phải là hàng hoá được khuyến khích sử dụng nhiều. Điện càng mua nhiều chịu giá tiền càng cao.
"Vì khuyến khích tiết kiệm nên phải đưa ra hình thức bậc thang. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, khoảng cách bậc thang là bao nhiêu cần được xem xét. Bộ Công Thương đang nghiên cứu sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, bậc thang đầu tiên có thể sẽ nâng lên, chúng tôi đang xem xét để cải tiến cho phù hợp", đại diện Cục điều tiết điện lực chia sẻ.
Đại diện Cục điều tiết điện lực cho rằng EVN cần sớm đẩy nhanh tiến độ sử dụng công tơ điện tử. Bởi hiện vẫn còn nhiều khu vực sử dụng công tơ cơ khí.
"Vẫn rất nhiều nơi vẫn phải nhìn bằng mắt thường, nguy cơ sai sót rất cao. Chỉ cần 1 hay 2 trường hợp sai hỏng, người dân sẽ quy kết ngành điện làm sai", đại diện Cục điều tiết điện lực nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về một số nhầm lẫn sai sót trong hoá đơn tiền điện lên tới vài chục triệu đồng vừa qua, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã thiết lập cơ chế kiểm soát tốt nhất có thể để đảm bảo chính xác.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho rằng, cán bộ điện lực không có động lực gì để cố tình… làm sai.
"Nếu ghi đi ghi lại thì sẽ làm tăng chi phí, gây áp lực cho giá điện. Làm sao để thiết lập được ngưỡng kiểm soát mà không tạo nên áp lực về giá, thoả mãn tối đa số lượng người sử dụng điện", ông Dũng thừa nhận, nếu chừng nào việc ghi chỉ số công tơ vẫn còn con người tham gia vào thay vì tự động hoá thì vẫn có khả năng xảy ra sai sót.
Lãnh đạo EVN khẳng định tiến tới sẽ thay thế, sử dụng toàn bộ công tơ điện tử để đảm bảo chính xác.
Ông Dũng khẳng định, cán bộ điện lực ghi sai không được gì cả, ngược lại còn bị kỷ luật nên không ai cố tình làm sai.
"Chúng tôi khẳng định không có tiêu cực hay cố tình làm sai, để xảy ra sai sót như vừa qua là điều không ai mong muốn", ông Dũng nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!