Hội nghị thượng đỉnh G7 đặt trọng tâm vào kinh tế

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ bảy, ngày 24/08/2019 06:19 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn hướng hội nghị này về chủ đề đối phó với tình trạng bất bình đẳng toàn cầu, trong đó kinh tế là đòn bẩy chính yếu.

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, nhóm G7, từ tối 24/8 sẽ bắt đầu cuộc họp thường niên tại thành phố biển Biaritz, miền Nam nước Pháp.

Nội dung chính của hội nghị năm nay là tiếp tục nỗ lực chống rửa tiền bẩn và cắt đứt nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động khủng bố; xác định những nguy cơ có thể xảy ra khi một số tập đoàn đa quốc gia sở hữu một lượng dữ liệu cá nhân quá lớn; những rủi ro của tiền ảo và nhất là cố gắng xác định một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu ở quy mô toàn thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển chậm lại từ nhiều tháng nay, chủ yếu do tác động từ căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ áp thuế rất cao lên thép và nhôm nhập khẩu cũng gây nhiều thiệt hại cho chính các nước G7.

Tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay vẫn là Tổng thống Mỹ. Dự kiến trong 3 ngày ở Biarritz, Tổng thống Mỹ sẽ gặp riêng Thủ tướng mới của Anh là ông Boris Johnson, thảo luận về Hiệp định Thương mại Mỹ - Anh sau Brexit. Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng sẽ nói chuyện tay đôi với Tổng thống Pháp về việc Pháp vừa quyết định áp thuế 3% lên các công ty nước ngoài kinh doanh qua mạng và thu lợi trên thị trường Pháp, trong đó chủ yếu là các công ty của Mỹ.

Các công ty từ nước này kinh doanh thu lợi tại nước khác sẽ phải trả thuế như thế nào đang là vấn đề liên quan đến mọi quốc gia, kể cả Việt Nam.

Hội nghị G7 cấp bộ trưởng đã nhất trí được nguyên tắc, là một nước có quyền đánh thuế các công ty, từ nước này kiếm lợi trên thị trường nước khác. Hiện nay, có nhiều công ty kiểu như Amazon, Booking, Uber… từ nước này môi giới bên mua bên bán ở các nước khác, rồi thu tiền hoa hồng mà không nộp thuế.

Nước Pháp vừa đơn phương quyết định, nếu một công ty có doanh số trên thị trường Pháp nhiều hơn 30 triệu EUR, kể cả khi công ty đó không đăng ký kinh doanh tại Pháp cũng phải nộp thuế cho Pháp tương đương 3% doanh số.

Tuy nhiên, đó chỉ là sáng kiến của Pháp. Lãnh đạo cao nhất của các nước G7 lần này phải thỏa thuận, tất cả các nước sẽ tính thuế dựa trên cơ sở nào và mức thuế chung là bao nhiêu.

Từ nhiều năm nay, các nước áp mức thuế ngày càng thấp cho doanh nghiệp nước ngoài để mong các nhà đầu tư mang tiền tới tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế nước mình. Cuộc chạy đua giảm thuế, tranh giành lôi kéo nhà đầu tư bằng mọi giá, chỉ có lợi cho nhà đầu tư. Còn với nước nhận đầu tư, có khi lợi ích thu được từ nhà đầu tư không bù đắp tổn thất mà nhà đầu tư đó gây ra, ví như những hậu quả về môi trường.

Lãnh đạo các nước G7 muốn các quốc gia nhất trí một mức thuế chung tối thiểu nhằm hạn chế chạy đua kiểu này. Thuế sàn nên là ở mức nào, nước nào phá giá sẽ bị trừng phạt ra sao, thượng đỉnh G7 sẽ thảo luận các vấn đề này.

Sau đây là một vài số liệu về những tổn thất do cuộc chạy đua giảm thuế:

Tính trung bình ở châu Âu, các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế 23% lợi nhuận thu được nhưng thực tế, nhờ nhiều thủ pháp tối ưu hóa về thuế, họ chỉ phải trả 15%.

Ủy ban châu Âu cho biết, thủ thuật "tối ưu hóa về thuế" gây thiệt hại hàng năm từ 50 đến 70 tỷ EUR cho các nước EU.

Trên quy mô toàn cầu, một số tính toán ước đoán thiệt hại có thể lên tới 20.000, 30.000 tỷ EUR - cao hơn cả GDP của nước Mỹ.

Pháp tăng cường an ninh trước thềm Hội nghị G7 Pháp tăng cường an ninh trước thềm Hội nghị G7 Tổng thống Mỹ ủng hộ Nga quay trở lại nhóm G7 Tổng thống Mỹ ủng hộ Nga quay trở lại nhóm G7 G7 nhất trí đánh thuế các hãng công nghệ lớn G7 nhất trí đánh thuế các hãng công nghệ lớn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước